TPO – Tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương ngày 23/10, đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngay sau chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới và có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn.
Tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương chiều 23/10, nhiều chủ đề nóng liên quan đến Luật Điện lực, phát triển điện hạt nhân, chính sách điện mặt trời tự sản tự tiêu, sửa nghị định về xăng dầu còn nhiều bất cập… đã được các phóng viên đặt ra với Bộ Công Thương.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc khởi động lại dự án điện hạt nhân, ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương – cho biết, từ năm 2009 Việt Nam đã nghiên cứu triển khai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận theo Nghị quyết của Quốc hội. Khi nghiên cứu triển khai, yêu cầu đặt ra là việc phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội, khoa học kĩ thuật, nguồn tài chính… Tuy nhiên, do nhiều yếu tố đặc biệt là vấn đề nhân lực, tài chính có nhiều khó khăn, do đó Quốc hội đã quyết định tạm dừng nghiên cứu triển khai
Ông Hùng cũng cho biết, hiện nay tình hình của đất nước và thế giới có chuyển biến tích cực, đặc biệt là nguồn lực nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu về phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tới. Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân trên thế giới. Bộ Công Thương đã có báo cáo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về vấn đề này.
Lãnh đạo Bộ Công Thương trả lời các câu hỏi tại cuộc họp báo. Ảnh: C.Dũng. |
“Bộ Công Thương đánh giá việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên việc phát triển như thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện để đề xuất trong Quy hoạch Điện 8 để rà soát điều chỉnh”, ông Hùng nói.
Bổ sung việc nghiên cứu triển khai điện hạt nhân trở lại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, về mặt chủ trương phát triển điện hạt nhân đã có nhưng tạm dừng. Hiện nay, căn cứ Quy hoạch điện VIII và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đang nghiên cứu vấn đề này, xem xét báo cáo có nên triển khai không.
Theo ông Tân, sức ép liên quan đến năng lượng tái tạo rất lớn nên một số nước phát triển cũng đã sử dụng điện hạt nhân tăng gấp 2-3 lần. “Như Nhật Bản, quốc gia này ước tính tỷ trọng điện hạt nhân chiếm 20-25% mặc dù từng xảy ra sự cố. Về công nghệ, quan niệm của Bộ Công Thương là sử dụng công nghệ kiểu mới, tiên tiến và đặc biệt là đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo tối đa an toàn. Điện hạt nhân phải đưa mức an toàn lên tối đa, rủi ro về 0″, ông Tân nhấn mạnh.
Về thời điểm khởi động lại dự án điện hạt nhân, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp nghiên cứu sau đó báo cáo trình Chính phủ có chủ trương để tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch điện khi đó mới có cơ sở tiếp tục triển khai.
Trước đó, ngày 19/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Về điện khí, Thủ tướng yêu cầu đón dòng khí đầu tiên từ dự án khí Lô B-Ô Môn vào cuối năm 2026. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển điện hạt nhân; tiếp tục hoàn thiện các quy định, thể chế và cập nhật, điều chỉnh quy hoạch điện VIII.
Nguồn: https://tienphong.vn/bo-cong-thuong-noi-ve-viec-khoi-dong-lai-du-an-dien-hat-nhan-post1684981.tpo