Cụ thể, liên quan đến việc để doanh nghiệp xăng dầu tự quyết định giá và việc giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu sau khi có nhiều lỗ hổng được chỉ ra, bà Nguyễn Thuý Hiền – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết, Bộ Công Thương và các bộ ngành khác đang xây dựng dự thảo mới theo hướng tiến gần hơn cơ chế thị trường.
Về Quỹ Bình ổn xăng dầu, bà Hiền thừa nhận, thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Cơ quan soạn thảo sẽ lấy ý kiến để đưa ra cơ chế phù hơp dựa trên nguyên tắc đảm bảo đúng với Luật Giá và các quy định pháp luật liên quan.
Xung quanh các ý kiến bỏ hay không bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công Thương – cho hay, bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến để đưa ra các đề xuất phù hợp.
Còn về những bất cập trong việc chi quỹ, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, việc trích lập và chi quỹ được thực hiện theo Thông tư 103 của Bộ Tài chính. Thực tế về những bất cập, ban soạn thảo sẽ thảo luận thêm về một số vấn đề xung quanh và sẽ đưa ra ý kiến sau thời gian xin ý kiến.
Mới đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ về dự thảo nghị định mới về xăng dầu, thay thế các nghị định trước đây. Trong đó, Bộ này đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu.
Bộ Công Thương lý giải, xăng dầu là mặt hàng thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, nên cần có cơ chế kiểm soát giá trần đối với xăng dầu bán lẻ trên thị trường.
Tuy nhiên, để tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, dự thảo quy định Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá, mà sẽ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá.
Cơ quan soạn thảo đề xuất, Nhà nước sẽ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, thương nhân đầu mối căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định, để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường.
Giá bán xăng dầu sẽ được thương nhân đầu mối công bố nhưng không được vượt qua giá tối đa đã được tính toán theo công thức.