Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Công Thương đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số quốc gia.
Thương mại điện tử đã đạt mục tiêu đề ra
Trong khuôn khổ Diễn đàn chuyển đổi số ngành Công Thương 2024 diễn ra sáng nay (21/11), ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Biên tập Báo Công Thương (Bộ Công Thương) đã điều phối phiên tọa đàm về thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương.
Cùng tham dự tọa đàm có ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông); bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội; ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; bà Đặng Thùy Trang – Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam; ông Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số và dịch vụ chuyển đổi số bền vững (FPT Digital).
Ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Biên tập Báo Công Thương đã điều phối phiên tọa đàm về thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương. |
Trả lời câu hỏi về mục tiêu tổng thể của thương mại điện tử và kinh tế số, những hạn chế, vướng mắc, định hướng phát triển trong thời gian tới của ông Nguyễn Văn Minh, bà Lại Việt Anh khẳng định, thương mại điện tử chính là một trong những lĩnh vực dẫn dắt kinh tế số và chuyển đổi số phát triển, đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025 đã đặt ra nhiều mục tiêu lớn, đến nay mặc dù chưa đến năm kết thúc nhưng có thể nói đã đạt được mục tiêu đề ra.
Trong đó, mục tiêu về tốc độ tăng trưởng đã đạt từ 20-30%/năm. Về độ phủ đối với người dân, người tiêu dùng, doanh nghiệp đều đã ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh là rất lớn. Về tốc độ tăng trưởng, đến quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng hàng thứ ba Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo bà Lại Việt Anh, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hiện nay khá nóng nên có thể đi kèm những vấn đề như các vấn đề cạnh tranh, hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, sự tham gia của các doanh nghiệp chưa đồng đều. Bên cạnh đó, giao dịch thương mại điện tử ở các địa phương hiện nay chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Chính vì vậy, bà Lại Việt Anh đề nghị các Sở Công Thương địa phương cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương có những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tại địa phương. Đặc biệt là thúc đẩy hàng Việt trên môi trường trực tuyến, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của hàng Việt, canh tranh mạnh mẽ hơn với các doanh nghiệp ngoài Việt Nam.
Tại tọa đàm, các diễn giả nêu những định hướng phát triển thương mại điện tử và kinh tế số trong thời gian tới |
Về định hướng thương mại điện tử trong tương lai, bà Lại Việt Anh cho biết một trong những định hướng của kế hoạch tổng thể đặt ra là phát triển thương mại điện tử bền vững. Trong đó, đòi hỏi sự cân bằng ở nhiều yếu tố như: Sự cân bằng giữa lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài,… để có thị trường mang tính cạnh tranh bình đẳng. Đặc biệt là sự cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mục tiêu xã hội và môi trường.
Định hướng tiếp theo đối với thương mại điện tử là phải phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Vì trong thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số thay đổi “chóng mặt”, do đó yêu cầu nguồn nhân lực thương mại điện tử giai đoạn mới phải được quan tâm, phát triển.
Kinh tế số đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GDP
Tại tọa đàm, chia sẻ về chuyển đổi số, theo ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) đây là năm thứ 5 Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia về Chuyển đổi số, và là năm thứ 3 Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số.
Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam liên tục năm 2022, 2023 cao nhất Đông Nam Á. Theo các tổ chức nước ngoài đánh giá Việt Nam là nước dẫn dắt trong khu vực trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng trung bình gấp 3 lần GDP. Kinh tế số đã đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GDP.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay, không gian của kinh tế số các ngành, lĩnh vực rất lớn, vai trò thúc đẩy của các bộ, ngành cũng không nhỏ. Ngành Công Thương có 3 lĩnh vực rất quan trọng cần phải thúc đẩy kinh tế số giai đoạn năm 2025.
Thứ nhất là lĩnh vực thương mại điện tử thúc đẩy thông qua chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ. Thứ hai là thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghệp chế biến chế tạo. Và thứ ba là chuyển đổi số lĩnh vực logistics.
“Bộ Công Thương đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số quốc gia. Đặc biệt là kinh tế số ngành, lĩnh vực Công Thương,” ông Tuấn nói.
Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Năm Á năm 2024″ do Google – Temasek công bố ngày 05/11 vừa qua, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet. |
Nguồn: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-dong-vai-tro-rat-lon-trong-viec-thuc-day-phat-trien-kinh-te-so-quoc-gia-360157.html