Khó khăn trong chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần
Đoàn Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023 vừa làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, báo cáo của các bộ cho thấy, tỷ lệ giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của từng bộ trong giai đoạn 2015 – 2021 chưa đạt mục tiêu.
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: QH |
Cụ thể, Bộ Công Thương giảm 3 đơn vị (66/69 đơn vị). Trong khi, đến thời điểm hiện tại, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của bộ giảm tối thiểu 10% so với biên chế sự nghiệp năm 2015. Giai đoạn 2015 – 2021, Bộ Công Thương đã thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc là 7.007 người, đạt tỷ lệ 44,52%.
Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm được 7 đơn vị (90/97 đơn vị), tương ứng gần 7,22%. Số người làm việc hưởng lương ngân sách so với năm 2021 giảm 4,6%, so với năm 2017 giảm 55,8%, so với năm 2015 giảm 77,5%.
Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm được 8 đơn vị (106/114 đơn vị), tương ứng gần 7,02%. Tính đến năm 2023 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ đã giảm 6,8% so với năm 2021.
Cũng theo báo cáo của 3 bộ, việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và loại hình doanh nghiệp khác đạt kết quả thấp, gặp nhiều khó khăn.
Sớm có quy định, hướng dẫn chuyển đổi theo mô hình quản trị doanh nghiệp
Trước thực trạng này, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị các bộ nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện và nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan do cơ chế, chính sách chưa kịp thời, đầy đủ, cụ thể. Đồng thời nêu giải pháp, kiến nghị cụ thể để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW là đến năm 2025 có 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị Bộ Công Thương chia sẻ kinh nghiệm sau khi cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị này hoạt động có hiệu quả không? Để trên cơ sở đó, có thể xem xét đề xuất cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, đánh giá việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu. Ảnh: Hồ Long |
Giải trình với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thừa nhận, tỷ lệ cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập còn rất thấp và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, Viện Nghiên cứu Dệt may được chuyển thành công ty cổ phần từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn còn khoảng 55% vốn nhà nước, hoạt động cũng chỉ ở mức cầm chừng.
Khó khăn lớn nhất, theo Thứ trưởng, qua chuyển giao cổ phần thì hoạt động của Viện Nghiên cứu Dệt may chủ yếu vẫn tập trung vào nghiên cứu, dựa trên các nguồn tài sản cũ từ trước. Trong đó, tài sản của viện chủ yếu là thuộc về sở hữu trí tuệ, xét về tính chất không được coi như các loại tài sản vật chất khác.
Bên cạnh đó, các đơn vị còn gặp khó khăn trong việc xác định giá trị và giao kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho các tổ chức, doanh nghiệp để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh nên việc chuyển đổi, hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ từ các viện nghiên cứu còn rất hạn chế.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giao thường trực đoàn giám sát ghi nhận đầy đủ ý kiến để đề xuất, trao đổi với các bộ có liên quan và Chính phủ tại buổi làm việc tới; đề nghị các thành viên đoàn giám sát nghiên cứu, đề xuất nội dung đưa vào báo cáo kết quả giám sát và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nguồn: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-dat-ty-le-4452-trong-tinh-gian-bien-che-323737.html