Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu sẽ được xây dựng phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Chiều 3/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tiến độ xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP cũng như Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về quản lý, kinh doanh về xăng dầu, ngày 1/12/2022, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và giao cho Bộ Công Thương xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan để thành lập Ban soạn thảo và ghép, kể cả Tổ biên tập để thực hiện các dự thảo và sau đó xin ý kiến rất rộng rãi của các đối tượng có liên quan như Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp, các bộ ngành.
“Mặc dù theo đúng quy định thủ tục rút gọn là không cần xin ý kiến của các đối tượng, nhưng chúng tôi vẫn xin ý kiến ngay từ những dự thảo đầu tiên và chính vì vậy nhận được rất nhiều ý kiến và chúng ta cũng chia sẻ rằng Nghị định này sẽ trực tiếp điều chỉnh rất nhiều đối tượng khác nhau, có quyền lợi khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.
Cho nên việc có nhiều ý kiến là dễ hiểu và hiện Bộ Công Thương đang phối hợp rất chặt chẽ với các bộ ngành, hiệp hội; ví dụ như ngày 14/2 vừa qua Bộ Công Thương đã phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Tiếp đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với một số báo chí, gần đây nhất là Báo Tiền phong tổ chức tọa đàm “Kinh doanh xăng dầu và bài toán bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia – Tiếng nói người trong cuộc”.
“Chúng tôi đã tổng hợp tất cả ý kiến và giao cho Ban soạn thảo, Tổ biên tập để tiếp tục xây dựng Nghị định này phù hợp thực tế và đáp ứng mức cao nhất các ý kiến đưa ra của tất cả các đối tượng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.
Tuy nhiên, bất kể một nghị định nào, bất kể một văn bản quy phạm pháp luật nào cũng không bao giờ hoàn thiện được mà chỉ có thể là tốt nhất; phương pháp, phương án tốt nhất trong một thời điểm nào đó, kể cả thời điểm hiện nay, còn có thể sang năm có thể hoàn toàn khác, vì quy định trên thế giới thay đổi.
Chính vì vậy, trong quá trình rà soát sửa đổi này, Bộ Công Thương đã nhận được rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, chẳng hạn quy định về mức chiết khấu tối thiểu trong hoạt động kinh doanh.
“Chúng tôi khẳng định, các kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như các đối tượng khác đang và sẽ được Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và bảo đảm dự thảo Nghị định sẽ được xây dựng trên cơ sở tiếp thu mức cao nhất các ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động và đáp ứng yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả và phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ cũng như của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói.