Vừa qua, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang, Bộ Công an phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình truyền thông phòng, chống mua bán người.
Tham dự Chương trình có đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Cục công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an; lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Công an tỉnh và một số sở, ban, ngành tỉnh và các hội viên, phụ nữ, học sinh tỉnh Bắc Giang.
Chương trình truyền thông về phòng, chống mua bán người tại Bắc Giang được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho các em học sinh, hội viên, phụ nữ và Nhân dân, góp phần làm giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Việt Nam đã có Luật Phòng, chống mua bán người. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người. Điều 5 của Luật quy định phòng, chống mua bán người là nội dung của chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế – xã hội.
Nhà nươc khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 4 của Luật này, nguyên tắc phòng, chống mua bán người được quy định như sau:
1. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.
2. Giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân.
3. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người.
4. Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.
5. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.
Tại Chương trình truyền thông phòng, chống mua bán người được tổ chức vừa qua ở Bắc Giang, bằng hình thức tuyên truyền sân khấu hóa qua diễn đàn “Đánh cược tương lai” và trò chơi đuổi hình bắt chữ về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép đã thu hút đông đảo người dân và học sinh tham gia. Qua đó, giúp các đại biểu, hội viên, phụ huynh, các em học sinh tham dự Chương trình hiểu thêm về một số chiêu thức tinh vi mà nạn nhân của hoạt động mua bán người có thể gặp phải. Đồng thời, các đại biểu tham dự được đưa ra các ý kiến, quan điểm, cách xử lý tại các tình huống để giúp các nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Cũng tại Chương trình, các đại biểu được nghe đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an trao đổi và chia sẻ về thực trạng mua bán người, di cư trái phép cũng như thông tin các kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người và di cư trái phép.
Tại buổi tuyên truyền, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, thông qua hình thức sân khấu diễn đàn, trò chơi tương tác và thông tin cập nhật về tình hình mua bán người hiện nay, Ban Tổ chức chương trình truyền thông mong muốn cung cấp thêm cho hội viên phụ nữ, học sinh, người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang những kiến thức về phòng, chống mua bán người, cách nhận biết phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiệm trọng của tội phạm mua bán người. Qua đó giúp người dân nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện ra các hành vi phạm tội mua bán người…
Đồng thời thông qua diễn đàn này, mong muốn các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý, tránh bị các đối tượng phạm tội lợi dụng lừa gạt.
Hải Anh