Bộ Công an vừa công bố dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Dự án luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trên cơ sở tách từ một phần của luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Không cần mang theo giấy phép lái xe nếu đã tích hợp
Theo Bộ Công an, so với luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bổ sung nhiều quy định, hướng tới đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại, phục vụ người dân.
Trong số này, điều 38 của dự thảo quy định chi tiết về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Cũng giống quy định hiện hành, dự thảo nêu rằng, người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển. Khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau: chứng nhận đăng ký xe; giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật; giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Điểm mới của dự thảo, đó là Bộ Công an đề xuất trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ trên đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử, người lái xe khi tham gia giao thông không phải mang theo nữa.
Tương tự, người điều khiển xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải mang theo các loại giấy tờ sau: chứng nhận đăng ký xe; bằng hoặc chứng chỉ điều khiển và giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng theo quy định của pháp luật; giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thông tin của các loại giấy tờ trên đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử, người điều khiển phương tiện cũng có thể không cần mang theo.
CSGT không được yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe nếu đã tích hợp
Theo quy định tại Nghị định 59/2022, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử.
Đây cũng là “chìa khóa” để khai thác dữ liệu về danh tính điện tử của công dân (số định danh, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, ảnh chân dung, vân tay) hoặc các thông tin được tích hợp. Để sử dụng tài khoản định danh điện tử, người dân và cơ quan, tổ chức cho thể thông qua ứng dụng VneID (do Bộ Công an xây dựng).
Tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ. Với mức độ 1, người dân chỉ cần CCCD gắn chip, sử dụng thiết bị di động tải và cài đặt ứng dụng VnelD theo hướng dân.
Với mức độ 2, người dân cần đến trụ sở công an cấp xã hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ CCCD để thực hiện. Tại đây, cán bộ công an sẽ tích hợp thông tin các loại giấy tờ (theo nhu cầu của người dân) vào tài khoản định danh điện tử.
Như vậy, chiểu theo đề xuất của Bộ Công an, nếu đã có tài khoản định danh điện tử cấp 2 và đã tích hợp thông tin giấy phép lái xe, người dân khi chạy xe ra đường sẽ không cần phải mang theo giấy phép lái xe truyền thống nữa, mà có thể sử dụng ứng dụng VneID để xuất trình khi lực lượng chức năng có yêu cầu.
Để quy định rõ việc này, khoản 5 điều 54 dự thảo nêu: khi tuần tra, kiểm soát, trường hợp thông tin giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì CSGT thực hiện kiểm soát các thông tin giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử.
Số liệu từ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, tính đến tháng 5, Bộ Công an đã cấp hơn 80 triệu thẻ CCCD gắn chip, thu nhận 37,1 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử; trong đó 16,5 triệu tài khoản định danh điện tử đã kích hoạt.