Mới đây, Bộ Công an cho biết, bên cạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ, lực lượng CAND còn tăng cường nhận diện nhiều vấn đề nóng, phức tạp dễ phát sinh, để từ đó làm tốt hơn công tác tham mưu, chủ công trong lĩnh vực này.

Công tác phối hợp với các cơ quan giám định, định giá tài sản được duy trì thường xuyên, kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu để đẩy nhanh tiến độ giám định, định giá tài sản, đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Bộ cũng đã xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân tham gia phòng ngừa tội phạm, huy động sức mạnh của Nhân dân trong phòng, chống tội phạm; bảo vệ người tố cáo, phản ánh tham nhũng, tiêu cực; về cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử… 

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong, ngoài ngành Công an tổ chức điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án. 

phúc sơn.jpeg
Một số hạng mục đã xây xong phần thô nhưng bị bỏ hoang tại Khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ảnh: Nhị Tiến

Các Cơ quan điều tra đã chủ động nhận diện nhiều vấn đề nóng, phức tạp dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, quyết liệt áp dụng nhiều biện pháp đấu tranh, điều tra, thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội, kết luận điều tra đề nghị truy tố, xét xử phù hợp với thực tế, đúng pháp luật nhằm răn đe, cảnh tỉnh chung theo phương châm “tập trung xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ phát hiện các vụ án từ công tác nghiệp vụ, giảm phụ thuộc vào kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Qua đó, nhiều vụ đại án đã được phát hiện, điển hình như các vụ án xảy ra tại tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Xuyên Việt Oil…

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 15/1 – 14/10/2024, các CQĐT trong CAND đã thụ lý điều tra 6.777 vụ án, 11.815 bị can phạm tội về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó, khởi tố mới 3.496 vụ, 7.354 bị can; đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 3.882 vụ án, 8.265 bị can; hiện đang điều tra 2.410 vụ án, 3.261 bị can.

Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo: đã thụ lý, điều tra 22 vụ án, 605 bị can; đã kết luận điều tra 12 vụ, 486 bị can, hiện đang điều tra 10 vụ án, 119 bị can.

Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn điều tra tiếp tục được quan tâm, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời phong tỏa, kê biên, tạm giữ nhiều tài sản phục vụ thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước. 

Điển hình như vụ Xuyên Việt Oil đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa trên 1.100 tỷ đồng, gần 700.000 USD và nhiều tài sản giá trị khác. Vụ Phúc Sơn, cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, hơn 1.400 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hơn 500 cây vàng SJC…

Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Đảng ủy Công an Trung ương Bộ Công an sẽ tập trung tham mưu làm tốt hơn công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế pháp luật tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Bộ xác định, công tác phòng, chống  tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng đầu; coi phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”; sớm có biện pháp cụ thể đưa thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ, trở thành “tự nguyện”, “tự giác” như cơm ăn, áo mặc hàng ngày.

Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, trong đó chuyển đổi số có vai trò quan trọng góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đẩy nhanh tiến độ, sớm kết thúc điều tra các vụ án lớn theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, các vụ án liên quan đến cán bộ, đảng viên… để phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và góp phần đảm bảo sự ổn định, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.