Ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An”. Quảng Nam hy vọng bờ biển Hội An sẽ hết sạt lở từ dự án đầu tư 42 triệu Euro của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ.
“Rách đâu, vá đó”
Vệt ven biển kéo từ cửa sông (cầu tàu đi Cù Lao Chàm) đến khách sạn Victoria gần 3,3km vắng người. Những cơn sóng “giận dữ” tung nước quật ầm ầm vào những hàng kè cứng dọc bờ giữa ngày gió, nắng nóng.
Các cuộc điều tra, khảo sát của Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế thủy lợi miền Trung chỉ ra, trong 15 năm qua bờ biển Cửa Đại đã bị xâm thực sâu vào đất liền đến 200m. Một hệ thống giám sát, đánh giá, khảo nghiệm dòng chảy bờ biển của trường này lắp đặt từ 8 năm trước (2015) cho thấy bờ biển tiếp tục sạt lở.
Trong một hội thảo ngày 25/2/2016 tại Palm Garden Resort PGS-TS. Nguyễn Trung Việt – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ – kinh tế thủy lợi miền Trung (hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi) cho biết, đã có nhiều hội thảo về sạt lở, nhưng chưa thể có phương án cuối cùng. Các nhà khoa học đều chưa có số liệu cụ thể để đánh giá cơ chế sạt lở bờ biển Cửa Đại, nên rất khó để đưa ra giải pháp xử lý nào tốt nhất.
Thời gian qua, những khu du lịch bị sạt lở, chưa thể kinh doanh đã đóng cửa buộc lòng phải chịu “ném tiền xuống biển” thì các khu du lịch dọc biển khác đã đứng ngồi không yên, khi nước biển ngày càng gặm sát vào chân tường khu du lịch.
Chính quyền đã đầu tư các công trình, từ kè cứng bê tông cốt thép tại đường Âu Cơ, kè mềm (đoạn từ khách sạn Victoria đến Palm Garden, mỏ hàn bằng cừ thép (cừ Larsen) dài 200m ở sát Cửa Đại…
Không ít doanh nghiệp đã tự bỏ tiền ra kè chắn sóng hay làm mọi cách để giữ bờ biển. Mỗi nơi, mỗi doanh nghiệp làm mỗi kiểu kè không giống nhau, theo kiểu “nóng đâu, phủi đó”, “rách đâu, vá đó” đã khiến dòng sạt lở chuyển dịch theo nhiều hướng khác nhau, hiện tượng sạt lở tiếp tục lan dần về phía Bắc, đến An Bàng. Nhiều kè bảo vệ của khách sạn, nhà hàng bị cuốn trôi…
Theo khảo sát của Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế thủy lợi miền Trung, các giải pháp Quảng Nam đưa ra xử lý khẩn cấp chống sạt lở một số đoạn bờ biển, chỉ có thể bảo vệ tạm thời. Kè cứng bảo vệ được bờ, nhưng mất bãi, xé nát bờ biển, sóng phá gây xói chân, sập. Kè mềm chỉ tạm thời giữ cho đoạn bờ được chỉnh trị, không bị xói lở mạnh như trước, nhưng đã bị biến dạng…
Không có một phương án hay kế hoạch cụ thể để giữ an toàn cho bờ biển. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nguy cơ số khu du lịch tại khu vực này sẽ bị đóng cửa. Hệ lụy xã hội phải gánh đằng sau những suy giảm này khó có thể tính bằng tiền trước nguồn lực ngân sách bị thất thu và số lao động (lên cả ngàn nhân công) này sẽ đi về đâu là bài toán cần lời giải đáp.
Hy vọng giữ bờ biển bền vững
Dự án nghiên cứu của Trường Cao đẳng công nghệ, kinh tế thủy lợi miền Trung đã chỉ ra nguyên nhân chính gây xói lở bờ biển Hội An là do thiếu hụt trầm tích vùng biển, dòng chảy trầm tích từ sông Thu Bồn đã bị giảm một nửa khi xây dựng hồ chứa ở thượng lưu.
Ngoài ra, việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng đã làm mất đi sự trao đổi giữa cồn cát trên bãi biển và ngoài biển. Sự bất xứng của dòng chảy trầm tích đi ra từ Cửa Đại, sự thay đổi của sóng bờ biển phía Bắc hoặc hệ thống bảo vệ bờ biển của chủ các khu nghỉ dưỡng (thậm chí của chính quyền) đã gây ra sự xói lở các khu vực lân cận.
Từ những kiến giải này, đề xuất đầu tư một dự án đã được Chính phủ phê chuẩn năm 2019. Dự án sẽ xây dựng công trình, các giải pháp môi trường để bảo vệ bền vững bờ biển Hội An (giảm nhẹ thiên tai, phòng chống xói lở bờ biển, bảo vệ dân cư, đất đai, nhà cửa, tài sản và cơ sở hạ tầng, tạo điều ổn định dân sinh, phát triển kinh tế xã hội của địa phương).
Các giải pháp phi công trình, các hoạt động tăng cường năng lực để nâng cao năng lực nhận thức cho cộng đồng dân cư vùng dự án trong việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của người dân và vùng tự nhiên và điều chỉnh tập quán. Xây dựng khung pháp lý và các giải pháp để quản lý tổng hợp bờ biển, khu vực hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn.
Dự án nhóm B, với tổng vốn đầu tư 42 triệu euro (tương đương 1.126,666 tỷ đồng) của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) gồm: vốn ODA 35 triệu euro, viện trợ không hoàn lại 2 triệu euro và vốn đối ứng 5 triệu euro, đã không thể thực hiện trong vòng 6 năm (từ 2019 – 2024) như kế hoạch.
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, dịch COVID-19 đã khiến việc huy động các chuyên gia tư vấn quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực chống xói lở và nuôi bãi để thực hiện công tác thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, dẫn đến quá trình thẩm tra chậm hơn so với kế hoạch ban đầu.
Tháng 10/2022, AFD mới tổ chức thực hiện công tác thẩm định dự án và thống nhất lịch trình dự kiến triển khai thực hiện và nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành vào tháng 12/2026. Sự điều chỉnh dự án này không làm tăng tổng mức đầu tư (vẫn 42 triệu euro), chỉ thay đổi tiền VNĐ vì tỷ giá thay đổi (tương đương 982,239 tỷ đồng thay vì 1.128,666 tỷ như chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 15/8/2019).
Dự án này sẽ được điều chỉnh đến năm 2026 (thay vì năm 2024 như trước). Phần chuẩn bị đầu tư được tính từ 2019 – 2022. Dự án sẽ được thực hiện từ 2023 – 2026. Bao gồm các hợp phần: đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng (nuôi tạo bãi, đê ngầm giảm sóng và công trình phụ trợ) từ cửa sông (cầu tàu đi Cù Lao Chàm) dọc về hướng bắc đến phía bắc của khách sạn Victoria (trên 3,3km).
Các biện pháp phi công trình (nghiên cứu, đánh giá củng cố cơ chế và thể chế tổ chức quản lý tổng hợp; xây dựng trung tâm dữ liệu lưu vực vùng bờ; củng cố các hệ thống quan trắc chất lượng nước, môi trường tự động; xây dựng công cụ giám sát và nâng cao năng lực quản lý, vận hành hệ thống lưu vực vùng bờ và quản lý dự án (tư vấn hỗ trợ kỹ thuật quản lý dự án, thí nghiệm mô hình vật lý).
Dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An” hy vọng mang lại sự bảo vệ đất đai, nhà cửa, tài sản và tính mạng của người dân, cũng như các cơ sở hạ tầng về du lịch, nghỉ dưỡng cho toàn bộ khoảng hơn 3,2km2 diện tích đất và hơn 1.300 hộ dân phường Cửa Đại và khu vực lân cận, nhất là khu vực ven biển… đang được chờ đợi hiện thực trên thực tế.