BlackPink vẫn là “gà đẻ trứng vàng” của YG Entertainment
Theo Newsis, doanh thu và lợi nhuận quý I/2023 của YG Entertainment đạt lần lượt là 157,5 tỷ won (hơn 2.750 tỷ đồng) và 36,5 tỷ won (638 tỷ đồng).
Doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt là 108,6% và 497,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành tích này vượt xa kỳ vọng của thị trường.
BlackPink làm nên lịch sử doanh thu khi lưu diễn thế giới
Giá trị cổ phiếu của công ty cũng đu đỉnh cao nhất trong 52 tuần gần đây. Thống kê của Korea Exchange cho thấy, tính đến 9h35 ngày 12/5, YG Entertainment đang đạt mức giao dịch cổ phiếu là 75.600 won (hơn 1,3 triệu đồng), tăng 8.900 won (gần 156.000 đồng), tăng 13,34% so với mức giao dịch của ngày trước đó.
Lý giải về mức tăng trưởng ấn tượng này, nhà nghiên cứu thị trường Park Soo-young chia sẻ trên Newsis rằng, thành tích ấn tượng này của YG nhờ vào giá trị tăng vọt của nhóm nhạc BlackPink.
“Lượng lớn doanh thu concert của BlackPink từ năm ngoái đã được ghi nhận và mức cát-xê tiêu chuẩn cho mỗi buổi diễn của nhóm đã tăng đáng kể so với quý IV. Đây có thể được coi là lý do chủ yếu dẫn đến hiệu suất đạt đỉnh này của công ty”, Park Soo-young cho hay.
Nhà nghiên cứu Lee Seon-hwa nhấn mạnh thêm: “Với 14 chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới và 10 chuyến lưu diễn châu Á/Nhật Bản của BlackPink trong quý đầu tiên, sự tăng trưởng doanh thu tập trung vào các buổi hòa nhạc vẫn tiếp tục”.
Concert tại Thái Lan của BlackPink thu hút khoảng 85.000 khán giả
Theo Touring Data, tour diễn toàn thế giới Born Pink của BlackPink đang là chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất mọi thời đại trong số các nhóm nhạc nữ.
Kỷ lục này trước đó được nắm giữ bởi nhóm nhạc nữ huyền thoại của Anh – Spice Girls với Spice World tour (2019), doanh thu 78,3 triệu USD (gần 1.840 tỷ đồng), với 697.357 người tham dự.
Trong khi đó, chỉ 26 đêm diễn đầu tiên, nhóm nhạc nữ của YG đã bán ra khoảng 366.000 vé, thu về doanh thu đạt 78,5 triệu USD.
Dự đoán, tổng doanh thu từ concert sẽ còn tăng cao hơn nữa khi BlackPink đã kéo dài tour diễn đến cuối năm 2023. Nhóm còn đến hơn 10 buổi diễn tại các thành phố lớn như: Melbourne, Sydney, Auckland, New Jersey, Las Vegas, San Francisco, Los Angeles…
Ông lớn ở K-pop có đang “bào tiền” người hâm mộ?
Bên cạnh doanh thu từ việc bán album vật lý, hợp đồng quảng cáo, thời trang… các buổi hòa nhạc (concert) cũng mang lại nguồn thu lợi nhuận khổng lồ đối với các công ty giải trí Hàn Quốc.
Đặc biệt trong thời kỳ các nhóm nhạc mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế với hàng loạt chuyến lưu diễn toàn cầu và khủng hoảng kinh tế sau đại dịch.
Mức giá concert đang tăng cao khiến người hâm mộ K-pop phẫn nộ
Không riêng BlackPink, số liệu của Viện Văn hóa và du lịch Hàn Quốc cho thấy, ước tính nhóm nhạc đình đám BTS có thể thu về lợi nhuận từ 667,9 tỷ won (hơn 11,6 nghìn tỷ đồng) đến 1,22 nghìn tỷ won (hơn 21,3 nghìn tỷ đồng) với mỗi buổi hòa nhạc được tổ chức sau đại dịch.
Tuy nhiên, doanh thu tăng mạnh sau dịch Covid-19 một phần nhờ việc tăng giá vé các buổi biểu diễn. Điều này cũng bùng nổ làn sóng tranh cãi trong nhiều tuần qua.
Theo số liệu của MGR Online, giá vé đã tăng gần 20% so với thời điểm trước khi các buổi diễn trực tiếp phải tạm ngừng hoạt động vào năm 2019. Nếu so sánh mức giá hiện tại với 10 năm về trước thì sự cách biệt này đã tăng lên đến 60%.
Cụ thể, chi phí trung bình cho một vé xem concert của các thần tượng K-pop tại Thái Lan hiện đang ở mức khoảng 5.270 baht (3,6 triệu đồng). MGR Online cho rằng, số tiền mà người hâm mộ phải bỏ ra là quá cao, bởi vé rẻ nhất vào năm 2013 dao động trong khoảng 1.050 baht (726.000 đồng), trong khi vé đắt nhất ở thời điểm đó chỉ chạm ngưỡng 6.000 baht (4,1 triệu đồng).
Hiện tại, một tấm vé VIP cho buổi concert K-pop được bán ra bởi đơn vị tổ chức có thể lên đến hơn 10 triệu đồng.
Tình hình ở Hàn Quốc cũng không quá khác biệt. Giá vé VIP có giá hơn 200.000 won (khoảng 3,5 triệu đồng) cho nhiều concert K-pop. “Thật buồn khi chúng tôi không thể tham gia các hoạt động nếu chúng tôi không có tiền”, MGR Online trích bình luận của một người hâm mộ.
Chiến lược kinh doanh mới của Hybe khiến dư luận phản ứng gay gắt
Không chỉ dừng lại ở việc tăng giá vé concert, chiến lược dynamic pricing (tạm dịch: định giá động) của Hybe Entertainment tại các buổi hòa nhạc ở Mỹ sắp tới của rapper Suga (BTS) và nhóm nhạc TXT cũng gặp rắc rối.
Allkpop giải thích, định giá động là cách định giá sản phẩm, dịch vụ linh hoạt theo giá của đối thủ cạnh tranh, mùa cao điểm và những yếu tố khác. Cách định giá này cho phép doanh nghiệp thay đổi giá phù hợp với mức khách hàng sẵn sàng chi trả vào thời điểm đó.
Điều này đồng nghĩa với việc, nghệ sĩ càng nổi tiếng thì giá vé các đêm diễn sẽ càng cao, thậm chí cao hơn rất nhiều so với giá gốc. Với nhóm nhạc có lượng fan toàn cầu như BTS, kịch bản giá vé tăng theo cấp số nhân là điều khó tránh khỏi.
Ngoài ra, Hybe còn đổi cách tính phí trên Weverse, mạng xã hội nơi người hâm mộ có thể trực tiếp tương tác với thần tượng K-pop. Người hâm mộ sẽ phải trả thêm một khoản phí để sử dụng các tính năng phụ đề, không quảng cáo hay phát lại chương trình trực tiếp sớm hơn trên Weverse DM và Weverse by Fans.
Do đó, cộng đồng hâm mộ nhóm BTS đang kêu gọi tẩy chay chiến lược “định giá động” của Hybe, vì cảm thấy họ chính là đối tượng chính cho công cuộc “làm tiền” này.