Chỉ trong hai năm sau dịch COVID-19 (2022-2023), số nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam biểu diễn đã khá đông đảo: Kitaro, Babyface, Charlie Puth, Super Junior, BlackPink, aespa, BoA, Taeyang, CL, The Moffatts, 911, A1, Blue…
Nhìn nhận về “làn sóng” nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam, nhạc sĩ Quốc Trung (nhà sáng lập, giám đốc Lễ hội âm nhạc Gió Mùa – Monsoon Music Festival, quy tụ nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế) và đạo diễn Cao Trung Hiếu (sản xuất và đạo diễn nhiều concert của nghệ sĩ Việt và quốc tế tại Việt Nam) đều cho rằng đây là tín hiệu vui cho thị trường giải trí và biểu diễn tại Việt Nam, cùng với lợi ích về du lịch, văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó là rất nhiều suy ngẫm.
Vui và nhiều băn khoăn
Nhạc sĩ Quốc Trung nhận định: “Tín hiệu đáng mừng nhưng phải hiểu đó mới chỉ là những hoạt động mang tính bất chợt, nhỏ lẻ và chưa phải là cách thức hoạt động của một thị trường có tính kết nối toàn cầu. Nó cũng chưa thể hiện thị trường chúng ta có nhu cầu và năng lực thật sự.
Đa phần các concert này phụ thuộc vào nhãn hàng, nhà tài trợ hoặc như BlackPink là do nhà tổ chức nước ngoài. Quan trọng hơn nữa là thiếu đi tính đa dạng và sự liên kết có hoạch định”.
Monsoon Music Festival cũng từng mời được những nghệ sĩ quốc tế như Scorpions, Joss Stone, nhóm Kodaline, nhóm Bond, nhóm ADOY, Los Frequencies, Hyukoh… đến Việt Nam nhưng chưa phải là concert riêng, nằm trong chuyến lưu diễn chính thức của các nghệ sĩ quốc tế.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết Công ty Thanh Việt Production của anh có uy tín và kết nối với các đại diện, quản lý hay nhiều tổ chức quốc tế nhưng việc đưa những concert nằm trong tour riêng của nghệ sĩ về Việt Nam cần chuẩn bị từng bước một. Quan trọng nhất, chúng ta cần tạo ra thói quen và nhu cầu của thị trường, cân bằng giữa chi phí sản xuất và nguồn thu chính từ bán vé.
“Chỉ có nhu cầu thật sự của khán giả mới có thể xây dựng được một thị trường và nền công nghiệp âm nhạc mạnh” – anh nói.
Đạo diễn Cao Trung Hiếu cho rằng: “Tuy chưa thể tạo ra thị trường âm nhạc lớn bằng việc tiêu thụ băng đĩa hoặc streaming âm nhạc, nhưng Việt Nam đang dần trở thành điểm đến biểu diễn lý tưởng của các nghệ sĩ quốc tế bởi các nhà tổ chức trong nước đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, nhất là đáp ứng tốt yêu cầu về thiết bị và kỹ thuật biểu diễn.
Điều này tương xứng với sự phát triển và hội nhập quốc tế của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là du lịch”.
16 năm và Bi Rain, Super Junior, BlackPink
Cơn sốt BlackPink cuối tháng 7 khiến nhiều người nhận định đây là nghệ sĩ quốc tế gây tiếng vang lớn nhất khi đến Việt Nam từ trước đến nay. Hai đêm nhạc thu hút 67.000 khán giả. Theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, tổng doanh thu từ khách du lịch trong hai ngày BlackPink biểu diễn là khoảng 630 tỉ đồng.
Đây cũng là concert riêng nằm trong Born Pink – chuyến lưu diễn toàn cầu có doanh thu cao nhất của một nhóm nhạc nữ trong lịch sử. BlackPink cũng đang ở thời đỉnh cao, các thành viên đều nổi tiếng.
Nhìn lại quá khứ, nam ca sĩ hàng đầu Hàn Quốc Bi Rain từng đến Việt Nam biểu diễn những năm 2006, 2007. Đặc biệt, 16 năm trước (năm 2007), anh mang chuyến lưu diễn thế giới Rain’s coming đến Việt Nam, diễn tại sân vận động Quân khu 7, TP.HCM – đêm diễn có thể coi là hoành tráng nhất của một nghệ sĩ nước ngoài tại Việt Nam khi đó.
Năm 2011, nhóm nhạc Super Junior cũng đến Việt Nam diễn tour Super Show 3 tại Bình Dương, tạo nên cơn sốt lớn vì nhóm đang ở thời đỉnh cao với loạt hit phủ sóng khắp châu Á.
Năm 2015, chương trình Music Bank in Hanoi được coi là một “siêu show K-pop” khi quy tụ những nhóm nhạc nổi tiếng nhất thời đó: SHINee, EXO, SISTAR, TEEN TOP, Block B, A Pink, GOT7.
Đạo diễn Cao Trung Hiếu là giám đốc sáng tạo của Viet Vision, đơn vị tổ chức Super Show 3 của nhóm Super Junior vào tháng 5-2011 tại sân vận động Gò Đậu (Bình Dương).
Anh nhớ lại: “Cơn sốt BlackPink khiến tôi nhớ lại Super Show 3 mà đơn vị tổ chức Viet Vision chúng tôi mang về Việt Nam cách đây 12 năm. Điểm dừng chân tại Việt Nam cũng là đêm diễn cuối cùng trong tour diễn châu Á của Super Junior, nhóm nhạc “hot” nhất Hàn Quốc và châu Á lúc bấy giờ”.
Mới đây, hồi tháng 3-2023, khi Super Junior trở lại Việt Nam lưu diễn thì chuyến lưu diễn đã được đánh số “Super Show 9”.
Theo đạo diễn Cao Trung Hiếu, sau chừng ấy năm, mức độ phủ sóng của các nhóm nhạc Hàn Quốc có nhiều thay đổi nhưng công tác tổ chức concert vẫn khá giống bởi họ đã có sự phát triển vượt bậc về công nghệ biểu diễn từ nhiều năm trước. Và sau 12 năm, thêm một sự kiện âm nhạc đương thời dừng chân tại Việt Nam và vẫn là một nhóm nhạc Hàn Quốc (BlackPink).
“Điều đó chứng tỏ Việt Nam chưa phải là thị trường tiềm năng của nghệ sĩ quốc tế ngoài Hàn Quốc. Qua sự hiện diện của BlackPink, tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng vui mừng cho khán giả Việt Nam. Nhưng với cương vị nhà sản xuất, vẫn còn thật nhiều trăn trở. Chúng ta vẫn đang trên đường học hỏi và tìm cơ hội” – anh nói.
Một số cột mốc lớn về concert quốc tế tại Việt Nam gắn với các nghệ sĩ Hàn Quốc, nhưng không thể không kể đến những chương trình âm nhạc quy tụ nghệ sĩ nhiều quốc gia như Monsoon, Hò Dô, các chương trình do doanh nghiệp tổ chức, chương trình giao lưu văn hóa, ngoại giao hằng năm…
Những chương trình này góp công không nhỏ trong việc giúp khán giả Việt Nam được thưởng thức trình độ biểu diễn quốc tế.
Không thể chụp giật, đi tắt đón đầu
Nhạc sĩ Quốc Trung từng đưa Joss Stone đến Việt Nam diễn Monsoon vào năm 2015 khi cô là một trong những giọng ca đương đại hàng đầu tại Anh; hay dàn dựng chương trình của tứ tấu đàn dây xinh đẹp Bond tại Việt Nam năm 2016 ở Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). Anh nhấn mạnh phát triển công nghiệp âm nhạc không thể đi tắt đón đầu.
Anh phân tích: “Chúng ta chưa có định hướng và hiểu được nhu cầu và đầu tư cho nhân lực trong lĩnh vực quản lý hay kinh doanh nghệ thuật nơi có những đặc thù riêng. Quy trình quản lý ở đây không chỉ là đối với cơ quan quản lý mà là quy trình quản lý của chính nhà sản xuất. Không chỉ riêng trong cơ quan quản lý nghệ thuật mà ngay cả trong chính ngành cũng thiếu hoặc không cảm thấy cần thiết.
Thông thường, nghệ sĩ làm quản lý thì cảm tính và thiếu quy trình, thiếu khoa học, doanh nhân làm thì chỉ quan tâm đến lợi nhuận và không hiểu hay tôn trọng nghệ thuật.
Mọi dự án đều loay hoay bàn bạc, tìm nguồn ngân sách, lo thủ tục… đến khi thực hiện thì đội ngũ sáng tạo hay nghệ sĩ không còn đủ thời gian, hoặc khi xây dựng dự án vì không đủ kính phí hay không hình dung được quy trình chuẩn bị cần gì nên dù giá thành cao nhưng chất lượng lại rất hạn chế.
Khi chất lượng hạn chế thì sẽ mất đi tính cạnh tranh và không tạo được sức hút, nhu cầu với công chúng vì thế cứ quanh quẩn đổ tại nhiều lý do và mãi chưa tìm được lối thoát. Cuối cùng thì con đường ngắn nhất vẫn là chụp giật, dùng các cách thức truyền thông đôi khi là cả tiêu cực để quảng bá chứ rất ít dự án có tính bền vững và hướng tới nghệ thuật đỉnh cao”.
Năm nay, Monsoon Music Festival 2023 của Quốc Trung sẽ mở thêm tuần lễ âm nhạc để tạo thêm cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ, giới thiệu nghệ sĩ Việt Nam ra bên ngoài dự các showcase hay festival quốc tế.
Ban tổ chức mong muốn tạo động lực và cảm hứng cho nghệ sĩ cũng như các kỹ năng cần thiết. Nhạc sĩ Quốc Trung nhấn mạnh “khát vọng vươn xa” là quan trọng nhất, vì “Chỉ có khát vọng mới giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách. Chỉ có ra ngoài cạnh tranh bình đẳng, chúng ta mới nhìn nhận đúng khả năng và hạn chế của mình để nâng cao năng lực sáng tạo và xây dựng thị trường âm nhạc văn minh, mạnh mẽ”.
Charlie Puth “thỏa thuận đặc biệt” với Việt Nam
Lễ hội âm nhạc 8Wonder vào tháng 7 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) có sự góp mặt của Charlie Puth, một ngôi sao quốc tế đang rất được yêu mến. Đêm nhạc thu hút 8.000 khán giả.
Theo đạo diễn Cao Trung Hiếu, để có được 75 phút trình diễn gần 20 ca khúc, gần như trọn vẹn set diễn của Charlie Puth trong một buổi diễn tour, ban tổ chức đã đưa ra những thỏa thuận đặc biệt.
Anh cho biết nhà tổ chức và sản xuất trong nước đã “chịu chơi” và đầy tâm huyết khi thuyết phục được Charlie Puth và ê kíp biểu diễn tại Việt Nam trước cả chuyến lưu diễn châu Á sắp tới.
Đạo diễn nói: “Với kinh nghiệm làm việc với rất nhiều ngôi sao quốc tế được mời biểu diễn tại Việt Nam thời gian qua như IL DIVO, Ronan Keating, Kelly Clarkson, Boney M, John Legend, Christina Aguilera hay gần đây nhất là Kitaro cho concert Chân trời rực rỡ của ca sĩ Hà Anh Tuấn, chúng tôi khá tự tin về việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật (technical rider) của từng ê kíp khác nhau.
Nhưng quan trọng hơn hết là sự tin tưởng của họ vào tiềm năng của thị trường biểu diễn. Điều này lại phụ thuộc hoàn toàn vào khán giả Việt Nam”.
BlackPink và chuyện mất thị trường trên sân nhà
Về cơn sốt BlackPink vừa qua, nhạc sĩ Quốc Trung nhận định đây là một concert đẳng cấp và có chất lượng tương đương toàn cầu, mở ra cơ hội cho ngành cũng như hình dung về cách thức, quy trình chuyên nghiệp có tiêu chuẩn toàn cầu. Tuy nhiên, anh nhìn nhận một cách khách quan và tỉnh táo để đánh giá về hiệu quả của quảng bá hay lợi ích kinh tế.
Nhạc sĩ phân tích: “Thứ nhất, ngoài việc mang đến cơ hội thưởng thức nghệ thuật của thế giới cho công chúng và giới trẻ Việt Nam thì cần hiểu đây là một sản phẩm “nhập khẩu”.
Chương trình do một nhà sản xuất bên ngoài mang vào và toàn bộ nguồn thu từ công chúng cùng chi phí cho nghệ sĩ được mang ra bên ngoài, tức là gần như toàn bộ ngân sách (gần 300 tỉ đồng) cùng với lợi nhuận (nếu có) sẽ được mang ra ngoài chứ không phải nằm lại với doanh nghiệp của Việt Nam.
Tức là, chúng ta đang mất thị trường ngay trên sân nhà. Đây là điều chúng ta sẽ phải đối diện.
Chúng ta không thể đi ngược lại xu hướng phát triển mà vẫn phải mở thị trường và chấp nhận cạnh tranh bình đẳng, chấp nhận rủi ro với bên ngoài.
Nhưng muốn nói về lợi ích thì cần những con số cụ thể về du lịch văn hóa, khái niệm còn rất mới và hoàn toàn chưa có sự chuẩn bị một cách chủ động. Đó chưa kể là sự cạnh tranh với các nước trong khu vực khi họ đã làm trước và có nhiều năng lực hơn chúng ta.
Muốn xây dựng nguồn thu này cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các nhà tổ chức cùng những người có lợi ích để chia sẻ và có những kế hoạch kinh doanh đồng bộ. Một quy trình làm việc và tạo nên những hiệu quả kinh tế hay quảng bá cho những sự kiện lớn luôn cần chuẩn bị trước hàng năm”.
Hồ Ngọc Hà: nghệ sĩ cần sự hỗ trợ của các ban ngành
Những nghệ sĩ lưu diễn quốc tế luôn mang lại nguồn lợi kinh tế khủng cho ngay chính những thành phố mà họ đến biểu diễn.
Nhưng họ cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền, ban ngành tất cả mọi nơi chứ không phải một mình họ làm nên điều đó. Qua đây tôi hy vọng các nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt là những nghệ sĩ phải lao động cực khổ để có được tên tuổi, sẽ nhận được sự hỗ trợ như vậy.
Chẳng hạn khi tôi mang Love Songs về Đà Nẵng, tôi được các ban ngành rất hỗ trợ nên mới có một show diễn đẹp, hay và được khán giả yêu thương như thế. Khán giả, khách du lịch ở đó cũng cảm thấy ngoài việc đi du lịch thì được thưởng thức một show ca nhạc ý nghĩa. Du lịch cũng được lợi.
Tuoitre.vn