Người ta yêu quê hương qua từng trang sách vở, tôi yêu quê hương qua từng ca khúc cũ…
Ngày xưa, có những nhạc phẩm viết về quê hương đẹp trên từng cây số. Nhưng ngày nay quê hương đã thay đổi trên từng centimet, nên nhạc quê hương xưa có đôi khi người ta đã cho nó là Démoder rồi, nếu còn, chỉ còn trong tâm tưởng của… những người già!
Nhạc viết về quê hương của những ngày chiến tranh là niềm tự hào không những của ai yêu mến nhạc, “những bài ca đi qua chiến tranh” sẽ là “văn hóa phi vật thể” nằm trong gia tài âm nhạc Việt Nam của hòa bình.
Tôi xin “lần giở trước đèn” một hai bài hát viết về quê hương trong số hàng ngàn bài hát của rất nhiều nhạc sĩ viết trong thời chiến tranh, nay còn ở lại trong hòa bình và trong lòng người…
Nhạc sĩ Trúc Phương, “người nhạc sĩ cô đơn” (Cô đơn trong nghĩa tích cực). Anh không sáng tác chung với ai, anh không phổ thơ ai, và nhạc của anh chỉ có “chiều” và “tối”. Anh có một thời gian dài sống ở Bình Tuy, nay là La Gi – Bình Thuận, anh nhận Bình Thuận là quê hương thứ hai.
Tôi đã viết khá nhiều nhạc của Trúc Phương: Thân phận, tình yêu, thói đời… nghiệt ngã trong chiến tranh. Nhạc sĩ Trúc Phương, hình như anh chỉ đứng “bên cạnh cuộc đời” để đợi chiều xuống và đêm về. Và cuộc đời đã mang đến cho anh nhiều long đong, hợp tan, tan hợp… và chính những điều “vô thường” đã cho anh chất liệu để anh viết nên những bài ca “bình thường”.
Viết về anh, tôi vô tình đã quên anh, người nhạc sĩ đã “Yêu quê hương từ thuở”… Có hai nhạc phẩm viết về quê hương của anh, mà nó không thua bất cứ bài hát quê hương nào của những nhạc sĩ cùng thời với anh là “Tình thắm duyên quê” và “Chiều làng em”.
Không biết hai nhạc phẩm này anh viết bài nào trước, thôi trước sau gì thì cũng là một bài hát “yêu quê hương” từ khi anh là nhạc sĩ, sống trong “Thói đời” (Tên nhạc phẩm của anh).
“Tình thắm duyên quê” (Gamme Dm, Mambo Boléro): “… Tình nồng thắm xuyên qua bao mái tranh/ Ngọt ngào dâng hương vương mái tóc xanh/ Những tình mặn mà là những tình đơn sơ/ Quê tôi vẫn đẹp, đẹp mấy tình ngây thơ/ Chiều làng quê say sưa trong tiếng ca/ Người làng quê yêu bông lúa thiết tha/ Những mẹ già ngồi trông trẻ đùa xóm dưới/ Rung rung môi cười như thuở còn đôi mươi…/ Chiều tàn rơi trên đê nghe tiếng ai/ Hẹn hò nhau vui duyên thắm gái trai/ Tiếng hò chơi vơi khi trăng ngà lả lơi/ Đêm quê rộn ràng bao tiếng chày buông lơi…”.
Lời bài hát có những từ đẹp quá: “Những tình mặn mà là những tình đơn sơ”, “Người làng quê yêu bông lúa thiết tha”, “Mẹ già rung rung môi cười như thuở còn đôi mươi”, “Chiều tàn rơi trên đê nghe tiếng ai”…
“Chiều làng em” (Gamme A, Rumba): “… Quê em nắng vàng nhạt cô thôn/ Vài mây trắng dật dờ về cuối trời/ Bâng khuâng tiếng hò qua xóm vắng/ Khói lam chiều như nuốn ngừng thời gian/ Một chiều anh mới đến/ Bóng dừa nghiêng gió ru thềm/ Tìm về đôi cánh mầu/ Mắt em nhìn nói ngàn câu…/ Anh ơi nhớ về thăm thôn xưa/ Để nghe tiếng ngọt ngào ru bóng dừa/…”.
Lại những câu từ đẹp đến dịu dàng, đẹp đến thướt tha, đẹp đến ngẩn ngơ… Trúc Phương dùng chữ để nói về “Chiều làng em”: “Vàng nhạt cô thôn”, “Vài mây trắng dật dờ”, “Khói lam chiều làm ngừng thời gian”, “Bóng dừa nghiêng”, “Tiếng ngọt ngào ru bóng dừa”, “Mắt em nhìn nói ngàn câu”… Những hình tượng ấy khó mà quên được cho dù ngày nay “nông thôn biến thành thành thị” và cách nghĩ, cách sống, đã thay đổi để bù lại những năm tháng đói nghèo, khổ đau vì chiến tranh.
Thời xa xưa, có một dạo tiếng ca Thanh Thúy và bài hát của Trúc Phương quá nổi tiếng, nên người ta hỏi rằng: Nhạc Trúc Phương làm nên tên tuổi ca sĩ Thanh Thúy, hay Thanh Thúy làm nên nhạc Trúc Phương? Và tiến sĩ Âm nhạc Jason Gibbs, người Mỹ đến Việt Nam để nghiên cứu nhạc Boléro, đã nói rằng: Nhạc Trúc Phương, ca sĩ Thanh Thúy ca mới hay!
Tôi cũng mê ca sĩ Thanh Thúy ca nhạc Trúc Phương. Và tôi cũng đã nghe ca sĩ Hồng Trúc ca nhạc Trúc Phương cũng khá lạ. Nhưng tôi giật mình khi nghe ca sĩ Ngọc Ánh (người rất sung trong nhạc Đỏ: Nổi lửa lên em) hát “Chiều làng em”. Ngọc Ánh phát âm một hai chữ “dật dờ” trong “Vài mây trắng dật dờ về cuối trời”, nghe “dật dờ” tôi cứ hình dung mây trắng cứ dật dờ, dật dờ… Và riêng tôi khó có ca sĩ nào qua Ngọc Ánh khi ca “Chiều làng em” kể cả Thanh Thúy?
Hai nhạc phẩm viết về quê của Trúc Phương quả là Tình khúc yêu “quê hương một thời vang bóng”. Hát lại, nghe lại, để thấy hình bóng quê nhà, dù đã mất, đã xa…