Ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 49 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS).
Vi phạm liên quan đến VMS vẫn còn
Công điện nêu rõ, sau hơn 6 năm triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), công tác quản lý khai thác thủy sản nước ta đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả, đặc biệt trong công tác lắp đặt và vận hành hệ thống VMS. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá nước ta đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân cơ bản là do số lượng tàu cá phải lắp đặt thiết bị VMS theo quy định vẫn còn thiếu, vi phạm các quy định về VMS vẫn còn nhiều, nhưng tỷ lệ các trường hợp vi phạm bị xử phạt còn hạn chế. Nếu không xử phạt nghiêm minh các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS, tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, khả năng gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024 là rất thấp, thậm chí bị nâng lên thành cảnh báo “thẻ đỏ” trong đợt thanh tra lần thứ 5 sắp tới của EC.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, từ tháng 3 đến tháng 4/2024, trên các khu vực biển Đông cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tàu cá Việt Nam xâm phạm lãnh hải nước ngoài vẫn còn diễn ra, đã xâm phạm vùng biển Malaysia, Thái Lan khai thác hải sản trái phép 5 vụ/10 tàu/57 ngư dân (tăng 1 vụ/1 tàu/20 ngư dân so với tháng 3/2024), trong đó có 4 tàu bị Malaysia bắt giữ do sử dụng biển kiểm soát (BKS) giả nên chưa xác minh được. Ngoài ra, Trung Quốc, Campuchia kiểm soát, ngăn cản, lấy tài sản của 3 tàu cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa và vùng nước lịch sử Việt Nam – Campuchia; Campuchia dùng súng bắn vào 1 tàu cá trong vùng nước lịch sử Việt Nam – Campuchia nhưng không gây thương vong. Bên cạnh đó, một số ngư dân vẫn cố tình thực hiện các thủ đoạn để vi phạm như: Xóa BKS tàu cá, sử dụng tàu cá mua bán nhưng không làm thủ tục theo quy định của pháp luật, không làm thủ tục xuất bến để vi phạm vùng biển nước ngoài; tắt, tháo gửi thiết bị VMS sang tàu cá khác; người đi trên tàu cá không có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; khai thác hải sản sai vùng, tuyến; sử dụng kích điện, hóa chất…; công tác điều tra, xử lý vi phạm vẫn gặp nhiều khó khăn.
Còn hàng ngàn trường hợp mất kết nối VMS
Tại Bình Thuận, mặc dù đã hoàn thành công tác lắp thiết bị VMS 100%, nhưng việc mất kết nối VMS khi tàu cá đang hoạt động trên biển vẫn còn xảy ra. Mới đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 tàu cá do không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị VMS trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m.
Đây là 2 tàu cá có thời gian mất kết nối VMS khi đang hoạt động trên biển trên 10 ngày và không nằm trong các trường hợp bất khả kháng theo quy định. Căn cứ vào quá trình xác minh và hành vi vi phạm, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 25 triệu đồng/1 trường hợp. Đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng với thời hạn là 4,5 tháng đối với ông Nguyễn Văn Lòng (SN 1976), trú xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, làm thuyền trưởng tàu BĐ 92539 TS và ông Trương Văn Nga (SN 1988), trú thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm thuyền trưởng tàu cá BV 90963 TS.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã quán triệt, chỉ đạo các lực lượng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, tăng cường lực lượng tàu tuần tra, kiểm soát các vùng biển giáp ranh với các nước phía Nam và Tây Nam. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp mới nhằm chống khai thác IUU hiệu quả, trọng tâm là đợt hoạt động cao điểm đến khi EC sang thanh tra lần thứ 5. Qua hệ thống giám sát VMS các lực lượng chức năng đã phát hiện, tuyên truyền, gọi điện nhắc nhở trực tiếp 2.730 lượt tàu cá mất tín hiệu VMS trên biển; trong đó cảnh báo, yêu cầu 2.034 tàu cá hoạt động gần ranh giới vùng biển giữa Việt Nam với các nước, không vi phạm vùng biển nước ngoài; kêu gọi, nhắc nhở 86 tàu vượt ranh giới trên biển (khu vực Vịnh Bắc Bộ 77 lượt tàu; khu vực giáp ranh Việt Nam – Thái Lan – Malaysia 3 lượt tàu, vùng biển Campuchia 6 lượt tàu), sau khi được nhắc nhở các tàu cá đã quay về vùng biển Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát lại toàn bộ hệ thống VMS (bao gồm cả phần cứng và phần mềm), tiếp tục bổ sung các tính năng quản lý tàu cá nhằm đảm bảo phát hiện ngay, kịp thời các trường hợp tự ý ngắt kết nối, tháo gửi thiết bị VMS sang các tàu khác. Bộ NN&PTNT thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin kịp thời giữa các cơ quan chức năng để đảm bảo các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định về VMS được phát hiện nhanh nhất, chia sẻ đến các cơ quan chức năng để điều tra, xác minh thông tin, củng cố hồ sơ để xử phạt theo quy định.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố có nghề cá, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung nguồn lực, kinh phí để rà soát đảm bảo 100% tàu cá trên 15m khi tham gia khai thác trên biển phải lắp đặt thiết bị và duy trì kết nối hệ thống VMS theo quy định, hoàn thành trong quý III/2024.