Câu chuyện khách hàng ở phía Bắc có thẻ tín dụng nợ 8,5 triệu đồng của một ngân hàng sau 11 năm trở thành 8,8 tỷ đồng làm hàng loạt người có đăng ký hoặc sử dụng thẻ tín dụng lo ngại bởi không biết bản thân mình có bị nợ xấu không, nhất là trong hội chị em làm ở các công ty. Vậy là họ rủ nhau đi test nợ xấu…
Đừng để rơi vào thế bị động
Cách đây một thời gian, ở huyện Bắc Bình hàng chục người bị dính nợ xấu bởi thẻ tín dụng và mua hàng mà không hề biết. Vụ việc biết nợ xấu là khi đến ngân hàng A. vay vốn được kiểm tra CIC thì mới vỡ lẽ. Lúc ấy trưởng phòng tín dụng ngân hàng A. đã điện thoại kể với tôi vụ việc bất thường này, anh cho biết: Rất nhiều hộ nông dân khi nghe nhân viên của ngân hàng O và M tư vấn về những lợi ích khi làm thẻ tín dụng mà mập mờ không nói rõ trách nhiệm đóng phí cũng như lãi suất nên nhiều người ngộ nhận đăng ký làm thẻ tín dụng. Tuy nhiên, khi biết thông tin về những khoản phí và lãi suất của thẻ tín dụng cao gấp nhiều lần so với lãi suất vay ở ngân hàng nhà nước thì nhiều người… không nhận thẻ, mặc dù thẻ đã gửi về theo đường bưu điện. Dù không nhận thẻ nhưng những hộ này lại không có động thái xin hủy thẻ nên qua vài năm các loại phí về thẻ tự động trừ vào tiền trong thẻ và chủ thẻ phải chịu nợ quá hạn mà không hề hay biết do không nắm được quy định của ngân hàng phát hành thẻ.
Ở một góc độ khác, rất nhiều người “dính phốt” khi mua hàng trả góp. Với đa phần công ty tài chính việc trả chậm vài ngày là khách hàng phải chịu nợ quá hạn. Chị Nguyễn Thị Bình, ở thị trấn Chợ Lầu kể: Mình hay mua hàng trả góp, từ chiếc ti vi, tủ lạnh cho đến xe máy bởi tính tiện lợi là có thời gian để dành khoản tiền trả góp. Tuy nhiên, có lần mình đi công tác dài ngày nên quên trả chỉ 3 ngày liền rơi vào nợ quá hạn. Đến khi có việc gia đình cần vay số tiền lớn ở ngân hàng, nhân viên ngân hàng tra cứu trên CIC thì mới hay lịch sử vay vốn của mình hơi bị… xấu. Vậy nên khi làm thẻ hoặc mua hàng trả góp, khách hàng nên chủ động thời gian và khoản tiền để nạp hoặc trả đúng thời gian, tránh trường hợp bị động tự làm lịch sử vay vốn của mình bị xấu…
Coi chừng bị lừa
Sau vụ thẻ tín dụng nợ 8,5 triệu đồng của một ngân hàng sau 11 năm trở thành 8,8 tỷ đồng làm hàng loạt người có đăng ký hoặc sử dụng thẻ tín dụng, mua hàng trả góp kể cả những người chỉ liên quan về thẻ ATM thấu chi rất lo ngại nên đổ xô rủ nhau đi test nợ xấu. So với các công ty tài chính chỉ trả chậm 1 – 2 ngày là rơi vào nợ quá hạn. Còn các ngân hàng nhất là ngân hàng có yếu tố Nhà nước như Agribank, việc khách hàng thân thiết vay vốn đến kỳ thanh toán sẽ được nhân viên thông báo biết trước rất lịch sự, trong quá trình trả vốn và lãi bị chậm vài ngày hoặc dài ngày hơn chút đỉnh theo quy định nhưng có lý do chính đáng thì vẫn được Agribank “du di” không đưa vào nợ quá hạn. Trở lại câu chuyện đi test nợ xấu, chị Nguyễn Thùy Chi đang làm cho một công ty may ở Khu công nghiệp Phan Thiết, kể: Mấy chị em trong công ty có làm thẻ tín dụng ở ngân hàng M. và O. mấy hôm nay khi nghe vụ 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỷ đồng thì… lo sốt vó. Ngày nào cũng “rủ rỉ rù rì” bàn luận không biết mình có bị nợ xấu không? Vậy là tranh thủ ngày nghỉ mấy chị em rủ nhau đi ra ngân hàng kiểm tra nợ xấu cho an toàn.
Anh Thanh làm ở công ty xây dựng kể: Ở công ty mình có nhiều người làm thẻ tín dụng để tiện sử dụng nguồn tiền khi xa nhà thường xuyên. Tuy nhiên, khi vụ 8,5 triệu đồng xảy ra ai cũng lo, rồi thấy trên các trang mạng xã hội quảng cáo hỗ trợ kiểm tra nợ xấu chỉ mất từ 200.000 – 300.000 đồng sẽ có chi tiết lịch sử các khoản nợ nên anh em đăng ký làm. Ai ngờ, khi chuyển tiền qua nhờ làm thì nó chặn hết thông tin liên lạc. Một chị trong công ty khi nghe hỏi đến mật khẩu đăng nhập Mobibanking, mã xác thực OTP đã quýnh quáng chạy đi hỏi anh em liền được khuyên dừng lại đúng lúc không thì bị kẻ gian lừa rút tiền trong tài khoản. Theo một trưởng phòng ngân hàng phụ trách mảng tín dụng cho biết: Không nên đưa thông tin cá nhân cho người lạ nhờ kiểm tra lịch sử tín dụng, bởi đây là cái bẫy của bọn lừa đảo trên không gian mạng. Muốn kiểm tra lịch sử tín dụng sẽ có 3 cách kiểm tra an toàn theo đúng quy trình là kiểm tra qua website CIC, tra cứu nợ xấu qua aap CIC trên điện thoại và trực tiếp đến ngân hàng nhờ nhân viên kiểm tra…
Cách tra cứu nợ xấu online qua app CIC trên điện thoại
Đăng ký tài khoản > Nhập mã OTP để xác nhận. Sau khi cài đặt và đăng ký tài khoản thành công, quý khách thực hiện kiểm tra nợ xấu theo những bước sau: Bước 1: Chọn “Khai thác báo cáo” để bắt đầu tra nợ trên CIC. Bước 2: Xác thực khai thác báo cáo bằng một trong các hình thức là mật khẩu/Vân tay/Face ID. Bước 3: Chọn mục “Khai thác báo cáo”. Bước 4: Nhập mã xác thực OTP. Bước 5: Vào mục “Xem báo cáo” để biết được kết quả nợ xấu. Trong bản báo cáo tín dụng, người dùng cần lưu ý đến mục “Mức độ rủi ro” để đối chiếu thông tin xem mình có bị ghi nhận nợ xấu hay không…