BTO-Đó là yêu cầu của đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại hội nghị trực tuyến với các huyện, thị, thành ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội (gọi Quyết định 217) diễn ra vào sáng 29/11.
Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh.
Qua 10 năm triển khai thực hiện, cấp tỉnh và các địa phương, đơn vị đã bám sát Quyết định 217, các quy định, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi rõ, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về công tác giám sát, phản biện xã hội được nâng lên. Vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội được phát huy.
Từ năm 2013 – 2023, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp đã định hướng, phê duyệt 5.869 nội dung giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề: Công tác tiếp dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý khoáng sản, tài nguyên, môi trường; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh; thực hiện pháp luật Bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước…Nội dung phản biện xã hội tập trung vào các vấn đề: Các đề án, nghị quyết phát triển kinh tế xã hội…
Cùng với đó, những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp từng bước chủ động hơn trong tổ chức các hoạt động giám sát; đã có sự phối hợp để lựa chọn và triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Từ năm 2013 – 2023, toàn tỉnh đã tổ chức được 10.887 cuộc giám sát đối với các tổ chức, cá nhân…
Qua giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã đề xuất, kiến nghị 26.306 nội dung (trong đó, có 19.577 kiến nghị qua giám sát, 6.729 kiến nghị qua phản biện xã hội), góp phần xây dựng, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp trong những dự thảo văn bản của các cơ quan và các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội. Từ đó, kiến nghị những nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các chủ trương, chương trình, đề án, dự án, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận trong xã hội.
Sau giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội đều có báo cáo, thông báo kết quả gửi cấp ủy, cơ quan, đơn vị liên quan và phân công bộ phận chuyên môn theo dõi việc giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, bộ phận có liên quan để xem xét, giải quyết các ý kiến góp ý, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội và thông tin đến Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội để theo dõi. Đến nay đã có 13.964/26.306 kiến nghị được giải quyết (tỷ lệ 53,1%).
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, như một số cấp ủy cơ sở, chính quyền, đơn vị, tổ chức và một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu kỹ về mục đích, ý nghĩa, vai trò của giám sát, phản biện xã hội. Sự phối hợp giữa chính quyền, các ngành trong việc tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội có lúc, có nơi còn lúng túng, nhất là việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát có lúc, có nơi chưa phù hợp, còn trùng lắp. Việc theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa được quan tâm đúng mức…
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, thảo luận những kết quả nổi bật, những việc làm mà ngành, địa phương đã thực hiện được 10 năm qua và nêu rõ các hạn chế, chưa đạt được, đồng thời đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh ghi nhận những kết quả qua 10 năm thực hiện Quyết định số 217. Để tiếp tục thực hiện Quyết định số 217 đạt kết quả trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác giám sát, phản biện xã hội nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Theo đó, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Đối tượng được giám sát, phản biện được hưởng lợi nhiều việc. Đồng thời thực hiện việc chọn chủ đề, giao nhiệm vụ tổ chức việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội một cách khoa học, sát với nhu cầu, thực tiễn, tình hình của địa phương, đơn vị nhằm đi vào thực chất, tránh hình thức. Chú trọng thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, phản biện. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chủ quản chỉ đạo, chấn chỉnh các tổ chức, cơ quan không thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội. Chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã bố trí đầy đủ kinh phí để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội theo đúng quy định.