Công nghiệp văn hóa (CNVH) là thuật ngữ sử dụng cho các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo. Tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ xác định, phát triển CNVH là một trong những yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng GDP thông qua tạo việc làm và mở rộng các thị trường mới.
Nhận thức điều đó, với những thay đổi tích cực về cơ chế, chính sách, trong giai đoạn 2018 – 2022, tỉnh Bình Thuận ngày càng quan tâm đến việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, du lịch văn hóa nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu.
Triển vọng ngành công nghiệp văn hóa
Nói về CNVH là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nêu rõ nhiệm vụ về phát triển CNVH đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa. Thực hiện các mục tiêu này, Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan trong tỉnh đã triển khai trên các lĩnh vực: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa. Trong đó, công tác quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện, có nhiều chuyển biến tích cực, với nhiều phương thức đa dạng đi sâu vào đời sống, tiếp cận công chúng sâu rộng hơn. Có thể kể đến các cuộc thi sáng tác ảnh, video clip viết bài về Bình Thuận năm 2020; sáng tác phương án kiến trúc Cổng chào Khu du lịch quốc gia Mũi Né; “Sắc màu Bình Thuận”; vẽ tranh dành cho thiếu nhi đề tài “Gia đình nơi của yêu thương và chia sẻ”…
Đặc biệt, với tiềm năng du lịch đa dạng, sở hữu nhiều bãi biển đẹp, thắng cảnh và địa điểm du lịch tâm linh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khai thác có hiệu quả nhiều loại hình, sản phẩm du lịch. Thêm nữa, việc 5 lễ hội văn hóa truyền thống là Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú, Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở Quan Đế miếu, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Katê của người Chăm tại tháp Pô Sah Inư và Lễ hội dinh Thầy Thím ở thị xã La Gi được tổ chức thường niên theo quy mô cấp tỉnh là trải nghiệm tuyệt vời để khách trong và ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm với số lượng tăng dần theo từng năm.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một bảo tàng ngoài công lập đang hoạt động là Bảo tàng nước mắm – thuộc Công ty TNHH Seagull với 359 hiện vật trưng bày. Từ lúc thành lập đến nay đã phục vụ hơn 100.000 lượt khách tham quan. Hoạt động của bảo tàng được nhiều du khách thích thú, đánh giá cao về nét đặc trưng mới lạ, độc đáo, chất lượng dịch vụ và thuyết minh. Cạnh đó là Nhà hát Fishermen Show với vở diễn “Huyền thoại làng chài”, đây là hình thức xã hội hóa nghệ thuật đầu tiên tại Bình Thuận, đặc tả về nền văn hóa dân gian vùng miền địa phương sâu sắc…
Đầu tư trọng tâm dựa trên tiềm năng sẵn có
Phát triển CNVH đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân theo hình thức miễn phí. Bên cạnh đó, mức thu nhập của người dân chưa cao dẫn đến chưa phát sinh nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa có tính chất nghệ thuật cao, mang yếu tố kinh tế thị trường.
Theo đánh giá của ông Võ Thành Huy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh: Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam có phạm trù rộng, loại hình phát triển mới, đa lĩnh vực. Vì vậy, để thực hiện đảm bảo chất lượng hiệu quả thì cần phải có sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ, đảm bảo tốt về mọi phương diện (chủ trương, chính sách, thể chế, đào tạo, phát triển nguồn lực…). Trong điều kiện của tỉnh Bình Thuận hiện nay cơ sở hạ tầng, quy mô phát triển chưa đồng bộ, đang ở mức trung bình trong mặt bằng chung của cả nước về tăng trưởng, về phát triển kinh tế – xã hội, việc triển khai nhiệm vụ chiến lược tại địa phương gặp phải hạn chế nhất định.
Căn cứ vào đặc thù, tình hình, Bình Thuận vẫn đang tiếp tục công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đến các sở, ngành, địa phương trong tỉnh để tiếp tục nâng cao nhận thức và tầm nhìn về vai trò quan trọng của các ngành CNVH đóng góp vào việc phát triển phát triển kinh tế của địa phương. Song song, xác định một số lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng của tỉnh để triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm và đem lại kết quả nhất định, làm tiền đề và động lực để phát triển các lĩnh vực khác. Lồng ghép các chương trình, dự án về phát triển văn hóa gắn với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà. Đồng thời, triển khai kế hoạch đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chú trọng đào tạo các kỹ năng nghiệp vụ còn yếu như hướng dẫn viên tại điểm đến, đào tạo các kỹ năng tiếp đón, phục vụ du khách cho nông dân, các trang trại, nhà vườn…
Quyết định số 1755/QĐ-TTg xác định, phát triển CNVH là một trong những yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng GDP thông qua tạo việc làm và mở rộng các thị trường mới. Có 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.