Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Để thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy Bình Thuận đã xây dựng Chương trình hành động cụ thể để triển khai.
Mục tiêu
Mục tiêu Chương trình hành động, Tỉnh ủy đặt ra là đến năm 2030 phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Đồng thời các chính sách phải bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho tỉnh nhà. Ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao; quan tâm đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, văn học, nghệ thuật. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trở thành tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia xây dựng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tăng số lượng phát minh, sáng chế, sản phẩm khoa học, công nghệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao; công trình công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.
Nhiệm vụ và giải pháp
Để hiện thực hóa những mục tiêu của Chương trình hành động, Tỉnh ủy đề ra những nhiệm vụ và giải pháp hết sức cụ thể. Việc đầu tiên là phải tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức. Theo đó đổi mới mạnh mẽ tư duy, thống nhất nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng đề cao vinh dự, đạo đức, tinh thần cống hiến, trách nhiệm của trí thức đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Thường xuyên động viên, khích lệ đội ngũ trí thức phát huy quyền làm chủ, tham gia đóng góp cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, chính sách trong phát triển ngành, lĩnh vực của tỉnh nhà; kịp thời lắng nghe, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng; thường xuyên tổ chức tham vấn, đối thoại bảo đảm khách quan, tôn trọng ý kiến của đội ngũ trí thức có tâm huyết cho sự phát triển của tỉnh nhà. Chú trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong các cơ quan, tổ chức có nhiều đảng viên là trí thức. Đồng thời không ngừng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài; rà soát, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ trí thức trên cơ sở chính sách, pháp luật của nhà nước. Có giải pháp đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nhân lực ở các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học, nhất là các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh và Trường Đại học Phan Thiết; xác định lĩnh vực, hướng nghiên cứu trọng điểm, ưu tiên gắn với yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung vào các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng, các chuyên gia đầu ngành, trí thức có uy tín, có thành tựu cống hiến trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của tỉnh. Tăng cường quản lý nhà nước, khẩn trương cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới gắn với tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Đồng thời tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ; tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn được tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm, phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới có khả năng cạnh tranh trong nước, hướng đến là khu vực, quốc tế… Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành, nhân tài, trí thức trẻ nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tin tưởng và ủng hộ chủ trương, đường lối, của Đảng; nhận thức sâu sắc về sứ mệnh của trí thức đối với đất nước, địa phương; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, chủ động tham gia nghiên cứu nâng cao năng lực, trình độ. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của đội ngũ trí thức trong xây dựng và phát triển tỉnh nhà; góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tầm nhìn đến năm 2045: Đội ngũ trí thức của tỉnh nhà có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, phấn đấu thuộc tốp đầu trong khu vực Nam Trung bộ và Đông Nam bộ; hướng đến tiệm cận với các thành phố lớn trong cả nước; đạt các giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế trên các lĩnh vực, nhất là về lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường; phấn đấu có tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn thuộc tốp đầu trong cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.