Theo ngữ âm của đồng bào dân tộc Rắc Lây ở vùng Phong Phú, Phan Dũng (huyện Tuy Phong) thì La Da La Bá có nghĩa là suối Rắn hay vùng đất của rắn thần. Theo thời gian, người ta chỉ còn gọi là La Bá cho ngắn gọn và đặt tên địa danh cho một vùng đất.
Đây không những là vùng đất đẹp về cảnh quan thiên nhiên với nhiều địa danh như thác Tân Cung, Tân Ron, Phùm, Bo mà còn là căn cứ địa cách mạng huyện Tuy Phong trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng đất nước. Từ vùng đất cằn khô thiếu nước, nay xanh thẳm hơn nhờ công trình thủy lợi, đời sống người dân càng khởi sắc.
Ở La Bá có rất nhiều sông, suối và phong cảnh rất đẹp. Nổi tiếng nhất là thác Tân Cung, dòng thác ẩn mình chảy trong lòng của sông Lòng Sông. Còn Tân Ron là nhánh của sông Lòng Sông có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp quanh năm. Vào cuối năm, chúng ta có thể chiêm ngưỡng được cành sắc tuyệt đẹp của mùa hoa bành ngạnh, cánh đồng hoa cỏ hồng thắm và những hồ nước nhỏ trong mát, ngát xanh.
Trong 2 cuộc kháng chiến, La Bá là khu căn cứ địa cách mạng của quân dân huyện Tuy Phong. Trung tâm của La Bá chính là địa danh cây Dầu Ba. Đây là vùng sơn thủy hữu tình, núi non trùng điệp, trước mặt là sông Tân Lê, sau lưng là sông Tà Uông – các dòng sông chung nguồn với sông Lòng Sông. Chúng tôi tìm đến các cô chú trong Ban Liên lạc kháng chiến huyện Tuy Phong để tìm hiểu thêm vùng đất La bá xưa cũng như về những câu chuyện qua 2 cuộc chiến tranh. Theo con đường quanh co dưới những tán rừng đang vào mùa thay lá để đến 1 địa danh khác thuộc chiến khu La Bá, đó chính là Tà Uông. Mùa khô, lá rừng rụng nhiều còn lại đó là những thân cây gầy trơ lá. Núi rừng trầm mặc, lặng lẽ chờ đợi những giọt mưa.
Trước đây, vùng Tà Uông không chỉ nổi tiếng với câu nói: Lúa La Bá, cá Tà Uông mà còn là nơi có phong cảnh tươi đẹp. Giờ đây, Tà Uông vẫn đẹp, đó là dòng sông uốn khúc nằm bên cánh đồng mới có cùng tên gọi xanh ngát, mênh mông. Những người lính năm nào từ miền xuôi lên không còn ai nnhận ra nơi mình ở và chiến đấu năm nào bởi sự trù phú của nó.
Có được điều đó chính là nhờ vào công trình thủy lợi hồ chứa nước Phan Dũng, 1 công trình thủy lợi cấp III do UBND huyện Tuy Phong làm chủ đầu tư được khánh thành hơn 10 năm trước. Trong thăm thẳm của dòng sông, của hoang sơ núi rừng, một thân đập dài 146 m, cao trình hơn 208 m vắt qua 2 quả núi cao sừng sững đứng chế ngự một biển nước mênh mông ngút tầm mắt trông thật hùng vĩ. Nếu như dòng Tà Uông khoe sắc xanh tươi, bát ngát thì mặt hồ Phan Dũng cũng thật huyền ảo, lung linh ẩn mình trong sự hoang dã của núi rừng. Gần 500 ha đất nông nghiệp và lúa ở các cánh đồng như: Tà Uông, Tà Cang, Chu Rí, Phùm, Đồng Toa, Tà Hoàng, Tân Lê, Trà Tân luôn ngát xanh, trù phú.
Vùng đất La Bá xưa hiện gồm thôn La Bá 1, La Bá 2 và xã Phan Dũng có khoảng 700 nhân khẩu đều là người Rắc Lây. Trước đây, do thiếu nước sản xuất nên đồng bào chủ yếu làm rẫy, chăn nuôi dê, bò, cuộc sống thiếu thốn. Nhưng từ khi có nguồn nước từ công trình thủy lợi hồ Phan Dũng và được Nhà nước đầu tư nhiều nên đời sống bà con đã khá hơn nhiều. Đường được thảm nhựa, bê tông, nhà xây ngói đỏ cuộc sống của người dân ngày càng đủ đầy, ấm no hơn…