Tại huyện Bắc Bình, trong khi hầu hết các diện tích lúa hè thu đã được thu hoạch, đạt năng suất và giá bán lúa khô cao nhất từ trước đến nay, thì tại các xã Phan Hòa, Phan Rí Thành, Phan Hiệp, Hải Ninh, Phan Điền đang có khoảng 245 ha lúa giai đoạn chín – thu hoạch có hiện tượng trổ bạc (hạt lép), gây thất thu cho người trồng.
Sâu bệnh gây hại cục bộ, rải rác
Thời điểm này, các trà lúa vụ hè thu trên địa bàn tỉnh đã và đang được nông dân các địa phương thu hoạch, bán với giá cao. Ghi nhận tại huyện Bắc Bình, vụ hè thu năm 2023 toàn huyện sản xuất lúa 12.705 ha, với các loại giống Đài thơm 8, ML 48, ML214, BDR57, ST24, ST25, NVP 79, An sinh, OM 5451… Hiện nay, các diện tích lúa đang trong giai đoạn chín – thu hoạch. Theo đó, diện tích đã thu hoạch khoảng hơn 10.000 ha trên tổng số diện tích sản xuất, đạt 83,67% diện tích sản xuất. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Bình, ở các diện tích lúa đã thu hoạch có cùng thời điểm gieo sạ theo khung thời vụ của huyện, từ ngày 20/4 – 20/5, hầu hết đều cho năng suất cao, bình quân 7 – 8,5 tấn/ha (lúa khô) và giá khô thu mua dao động 8.200 – 8.500 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Thịnh – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Bình, qua kết quả kiểm tra đồng, một số diện tích lúa thuộc các xã Phan Hòa, Phan Rí Thành, Phan Hiệp, Hải Ninh, Phan Điền có trà lúa khoảng 80 – 85 ngày tuổi có hiện tượng trổ bạc (hạt lép). Diện tích gây hại cục bộ, rải rác, có trường hợp thửa ruộng liền kề cùng gieo một loại giống, trà lúa như nhau nhưng có thửa ruộng bị sâu đục thân hại, thửa ruộng còn lại thì không bị sâu đục thân gây hại.
Theo ông Thịnh, nguyên nhân lúa trổ bạc là do sâu đục thân gây hại, tỷ lệ gây hại phổ biến từ 30 – 40%, với diện tích khoảng 230 ha, cá biệt có một số diện tích gây hại với tỷ lệ trên 70%, diện tích khoảng 15 ha. Sâu đục thân gây hại hầu hết trên các loại giống lúa được sản xuất trong vụ hè thu 2023.
Xác định nguyên nhân
Theo đánh giá của đoàn kiểm tra chuyên môn thực tế tại đồng ruộng, các diện tích bị sâu đục thân gây hại, chủ yếu do nông dân phòng trừ sâu đục thân không hiệu quả. Thời điểm gieo trồng trễ so với khung thời vụ (gieo sạ từ ngày 20/5 trở về sau), lệch với lịch gieo sạ né sâu rầy theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện. Mặt khác, nông dân có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ nhưng không tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” trong dùng thuốc BVTV. Mặt khác, UBND các xã, thị trấn chưa thông tin kịp thời các thông báo cảnh báo sâu đục thân gây hại của ngành nông nghiệp. Do vậy, các diện tích lúa bị sâu đục thân gây hại này không đủ điều kiện để hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Hiện nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn đã và đang bước vào sản xuất vụ mùa 2023. Do đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Bình cho biết, đơn vị sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước để bố trí thời vụ phù hợp với tình hình của từng vùng, từng địa bàn. Đồng thời hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, đất đai, tập trung khuyến cáo gieo trồng phải tập trung, đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng và phải đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ (15 đến 20 ngày) nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại đối với trà lúa gieo sạ lệch khung thời vụ chung của huyện. Song song, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng (đặc biệt sâu đục thân gây hại lúa). Tăng cường công tác dự tính, dự báo, thông báo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời nhằm hạn chế dịch sâu bệnh lây lan trên diện rộng…