Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tổ chức thực hiện công tác quản lý đất đai của tỉnh. Tuy nhiên, tình hình quản lý đất đai của tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nhiều dự án chậm triển khai
Tại kỳ họp lần thứ 24 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) mới đây, vấn đề này được các đại biểu thảo luận sôi nổi, nhằm tìm ra giải pháp căn cơ để tháo gỡ. Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân – Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết thừa nhận công tác quản lý đất công, đất của các dự án, sử dụng đất sai mục đích vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Phan Thiết. Nhất là ở các địa bàn trọng điểm có tiềm năng phát triển các dự án bất động sản, du lịch, năng lượng tái tạo hoặc tại các khu vực chuẩn bị triển khai các quy hoạch, các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng… Điển hình như Khu dân cư Nam Lê Duẩn khi lập dự án gặp nhiều khó khăn, dù lãnh đạo thành phố nhiều lần đối thoại với dân. Hiện nay, việc lấn chiếm đất xây dựng trái phép vẫn còn xảy ra, nguyên nhân 1 phần là công tác kiểm tra, giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng.
Do đó, Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị: “Cần phân định trách nhiệm rõ ràng trong việc quản lý địa bàn các dự án, tránh sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm; sớm tháo gỡ việc xác định giá đất và sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai. Ngoài ra, nhiều dự án quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm như dự án Hố Lở, khiến người dân lấn chiếm đất đai xây dựng. Bên cạnh đó, công tác đền bù, tái định cư đối với các công trình dự án trọng điểm, thời gian qua Phan Thiết đã có nhiều cố gắng như dự án 706B, dự án Hàm Kiệm – Tiến Thành, dự án sân bay Phan Thiết. Tuy nhiên, quỹ đất tái định cư dành cho các dự án trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường sớm chỉ đạo, giao quỹ đất đền bù, tái định cư để Phan Thiết thực hiện công tác giải phóng mặt bằng”.
Không riêng gì TP. Phan Thiết gặp phải khó khăn trong lĩnh vực này, địa bàn thị xã La Gi cũng có nhiều dự án kéo dài nhiều năm, không những ảnh hưởng lớn đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, triển khai định hướng xây dựng đô thị phía nam của tỉnh, mà còn tác động xấu đến an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Hiện có nhiều kiến nghị phản ảnh của cử tri về tiến độ thực hiện 2 dự án là Khu đô thị mới Đông Tân Thiện và Khu đô thị mới Tây Tân Thiện với dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng phức tạp hơn. Ngoài ra, một số dự án tương tự được tỉnh cấp chủ trương đầu tư đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cũng sẽ bị ảnh hưởng (Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De La Gi, dự án khu đô thị mới Phước Hội và khu đô thị mới Tân Thiện). Do đó, lãnh đạo thị xã La Gi kiến nghị UBND tỉnh xem xét tháo gỡ khó khăn vướng mắc để 2 dự án sớm hoàn thành các thủ tục, tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Từ chủ quan lẫn khách quan
Về quản lý nhà nước về đất đai, ông Nguyễn Hồng Pháp – Bí thư thị xã La Gi thẳng thắn nhìn nhận: “Hệ thống văn bản pháp luật về đất đai hay thay đổi, còn chồng chéo, trình tự, thủ tục xử lý vi phạm còn phức tạp, mất nhiều thời gian, nhân lực và chi phí. Các trường hợp vi phạm chủ yếu từ nhiều năm trước, phần lớn đã hình thành tài sản cố định trên đất, gây khó khăn trong quá trình giải quyết. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đối với đất công chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Việc tổ chức cưỡng chế vi phạm đất đai chưa dứt điểm, kéo dài do mất nhiều thời gian cho việc lập hồ sơ vi phạm, thẩm định hồ sơ vi phạm, bố trí lực lượng bảo vệ cưỡng chế. Đặc biệt, một số trường hợp cố tình khiếu nại các quyết định xử lý hành chính của cấp có thẩm quyền, mặc dù hành vi sai trái đã rõ. Một số hồ sơ, giấy tờ, trích lục đất phức tạp, khiến tranh chấp kéo dài, khó giải quyết…”.
Nhằm chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 08 về tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp. Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; quán triệt sâu kỹ chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số giải pháp tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các Chương trình hành động, Kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác quản lý mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IV) đã ban hành Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 14/11/2022. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân…
Không để sự trì trệ trong văn bản giấy tờ, trong hành vi của cán bộ làm cho sự phát triển của tỉnh bị trì trệ theo, người dân và doanh nghiệp phiền lòng, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thẩm định dự án, thủ tục xây dựng, việc thực hiện các lĩnh vực công ích, y tế, giáo dục…
Bí thư Tỉnh ủy – Dương Văn An
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã nhấn mạnh trong cuộc họp Ban Chấp hành lần thứ 24 rằng: “Chúng ta phải quyết tâm cải cách hành chính, phải cải thiện thái độ, chất lượng, hiệu quả trong công việc, phải động viên, khuyến khích cán bộ, công chức làm việc bằng trách nhiệm, tình cảm; bằng cái tâm và tầm, thật sự tâm huyết với công việc. Phương châm là làm hết việc chứ không hết giờ, công việc nào khó, phải cố gắng nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp để giải quyết, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Phải lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, sự phát triển của tỉnh làm thước đo để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, từng cán bộ”.