Nông dân vùng cao Hàm Cần, Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) đang rộn ràng với công việc thu hoạch bắp. Tuy nhiên, vụ bắp năm nay của người dân vừa mất mùa lại thêm mất giá, khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn.
Những ngày này đến các xã vùng cao Mỹ Thạnh, Hàm Cần khó có thể trò chuyện lâu hơn với bất cứ ai là lao động chính trong gia đình, ngoại trừ những cụ ông, cụ bà hết tuổi lao động. Bởi họ đang bận rộn với việc đi “bắt công” và thu hoạch bắp cho không chỉ nhà mình mà còn nhà hàng xóm. “Bắt công” là hoạt động giúp đỡ lẫn nhau giữa hộ gia đình nông dân trong mùa vụ để giảm chi phí thuê nhân công. Nghĩa là trong một thôn có nhiều hộ gia đình với nhau, họ luân phiên thu hoạch nông sản cho nhau đến khi hết mùa vụ.
Bắp đang vào mùa thu hoạch nên ở đâu trong xã cũng thấy rộn rã hoạt động thu hoạch, với những công việc như bẻ bắp, vận chuyển đến nơi tập kết để tách hạt đóng bao, phơi khô…Từ bên ngoài nhìn vào cứ ngỡ vụ bắp năm nay của các xã bội thu. Nhưng đi sâu tìm hiểu mới thấy họ đang lo, bởi năng suất bắp đạt thấp hơn so với năm trước, đã vậy giá cả cũng không cao. “Nhà mình trồng 9 kg bắp giống/5 sào, thu hoạch chưa đầy 1 tấn, giá bán chỉ có hơn 3.000 đồng/kg, trong khi năm 2022 được mùa hơn, đạt 2 tấn, giá bán 4.000 – hơn 5.000 đồng/kg. Cũng diện tích này trồng mì đạt 8 – 9 tấn, năm nay ai trồng bắp cũng lỗ, bán không đủ trả tiền phân, giống cho Trung tâm Dịch vụ miền núi”, chị Nguyễn Thị Khe, thôn 1, Mỹ Thạnh chia sẻ. Với bà Lê Thị Reo, ở thôn 3, xã Hàm Cần canh tác 7 sào bắp, năm ngoái cho năng suất cao đạt gần 5 tấn, giá bán hơn 5.000 đồng/kg, thu về hơn 20 triệu đồng. “Năm nay chỉ khoảng hơn 2 tấn, giá dao động 3.000 – 4.000 đồng/ kg, không đủ trả nợ, khi chưa tính công chăm sóc, cày xới đất trồng”, bà Reo lo ngại nói.
Các hộ khác, thậm chí cả hộ nhà lãnh đạo, cán bộ xã trồng bắp cũng đang trong tình cảnh tương tự… Nhiều người đang lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 năm nay sẽ khó khăn, vì người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chủ yếu sống nhờ vào nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp. Điển hình xã Mỹ Thạnh, nơi có 283 hộ/971 khẩu chủ yếu trồng bắp, mì, thanh long. Năm 2023, họ đầu tư trồng bắp nhiều hơn trồng mì vì thấy năm 2022 bắp được mùa được giá. Nhưng người tính không bằng trời tính, năm nay bắp lại mất mùa, mất giá, thanh long cũng không ngoại lệ nên cuộc sống rất khó khăn. “Năm nay nhà nào cũng nợ Trung tâm Dịch vụ miền núi, nơi đầu tư ứng trước phân, giống cho bà con sản xuất, khi thu hoạch quy ra bắp trả lại cho trung tâm. Mất mùa, giá thấp, ai cũng lo dịp tết tới đây thiếu ăn, mong Nhà nước hỗ trợ bằng cách điều chỉnh giá bắp để giảm bớt nỗi lo”, nhiều người dân trong xã Mỹ Thạnh chung tâm trạng chia sẻ.
Thực trạng trên không phải là mới mà thường xảy ra trong những năm gần đây. Điệp khúc được mùa mất giá hoặc mất mùa, mất giá đang luôn là nỗi lo của mỗi nhà nông nói chung. Họ đã kiến nghị nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri và các cuộc họp, diễn đàn hàng năm, với mong muốn tháo gỡ khó khăn. Tại cuộc tiếp xúc cử tri và hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã với nhân dân mới đây, người dân Mỹ Thạnh đã đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, kiến nghị đến UBND huyện quan tâm có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người trồng bắp. Vì hiện nay giá bắp quá thấp không đủ chi phí cho sản xuất, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam cũng đã ghi nhận, nhưng chưa có cách giải quyết khi Trung tâm Dịch vụ miền núi thông tin, do giá cả thị trường nên khó có thể điều chỉnh. Ông Nguyễn Duy Ninh – Phó phòng Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam cho biết, nhiều năm qua Mỹ Thạnh, Hàm Cần canh tác bắp lai luôn bị sâu keo… cho năng suất không cao. Nếu người dân cứ duy trì cây trồng này sẽ ảnh hưởng cuộc sống, cần phải phá thế độc canh chuyển đổi sang cây trồng khác, như cây họ đậu mới mong hạn chế rủi ro mất mùa, mất giá. UBND huyện đã kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh trong buổi làm việc gần đây về vấn đề này, vì muốn chuyển đổi cây trồng đa dạng ở các xã trên trong thời gian tới, với mong muốn có sự hỗ trợ thêm từ các đơn vị, sở, ngành liên quan.