Sau đợt kiểm tra lần thứ 4 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) lại một lần nữa khước từ gỡ bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Trong đợt kiểm tra lần 4 (từ ngày 10 – 18/10), Đoàn EC đã làm việc trực tiếp với 2 địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Định. Đoàn EC nhận định, các địa phương đã khắc phục các khuyến nghị trong đợt kiểm tra lần 3, tuy nhiên kết quả chưa thực sự rõ nét. Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra; tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình 10 ngày vẫn phổ biến; tàu “3 không” (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép) vẫn còn hoạt động trên biển; tỷ lệ xử phạt tàu cá vi phạm của Việt Nam còn rất thấp. Qua đó, EC cũng khuyến nghị Việt Nam phải xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt là các quy định về thiết bị giám sát hành trình, đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá để tạo sự chuyển biến trên thực tế; kiên quyết xử phạt triệt để các hành vi vi phạm IUU.
Tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV về tình hình khai thác IUU, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có nêu: Đoàn kiểm tra EC lần thứ 4 đánh giá Việt Nam đã rất tích cực, có chủ trương mạnh mẽ, nhưng việc tổ chức thực hiện chưa vào khuôn khổ, kết quả thực tế tại các địa phương còn hạn chế, việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU, chế tài xử lý đối với doanh nghiệp gian lận còn chưa nghiêm. Do đó, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, dự kiến vào tháng 5 – 6/2024, đoàn của EC sẽ quay lại Việt Nam kiểm tra một lần nữa. Trong khoảng thời gian từ nay đến giữa năm sau, nếu không tranh thủ được cơ hội này, chúng ta sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong 3 – 4 năm tới. Bởi sau đó EC sẽ thay đổi nhiệm kỳ, cơ cấu tổ chức; sẽ có ủy ban khác, nhân sự khác thực hiện công việc xử lý IUU. Lúc ấy, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chạm mức “kỷ lục” khi phải mất khoảng 10 năm mới gỡ được “thẻ vàng” vi phạm khai thác IUU.
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có hơn 16.000 tàu cá “3 không” và hầu như địa phương nào có biển cũng xảy ra tình trạng này. Tại Bình Thuận, số tàu cá chưa đăng ký cũng còn 1.884 chiếc và số tàu cá chưa thực hiện hoặc hết hạn đăng kiểm còn hoạt động vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, từ đầu năm tới nay cả nước lại tiếp tục có thêm 26 tàu cá với 166 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tại khu vực biển các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Campuchia. Tàu cá vi phạm IUU tập trung ở các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang. Nếu Việt Nam vẫn còn tình trạng tàu cá đánh bắt hải sản ở nước ngoài thì EC sẽ không gỡ thẻ vàng – cảnh báo mạnh mẽ này của EC khi áp vào thực tế ngành khai thác hải sản xa bờ của nước ta thực sự là một bài toán nan giải. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, số vụ vi phạm đã giảm qua từng năm và hy vọng, với việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo sinh kế cho ngư dân thời gian tới, thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, thì Việt Nam sẽ chấm dứt được tình trạng đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp.
Để Việt Nam gỡ được “thẻ vàng” trong lần thanh tra cuối cùng nhiệm kỳ cũ của EC, Bộ NN&PTNT đề xuất lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển phải tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục và đồng bộ các giải pháp. Các tỉnh có hệ thống kết nối với thiết bị VMS phải trực 24/24 giờ để phát hiện sớm tàu vượt ranh giới, mất kết nối. Đặc biệt, các địa phương phải thực hiện các biện pháp mạnh, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Bộ NN&PTNT sẽ khẩn trương đưa vào sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân còn thiếu trách nhiệm tại các địa phương…