Hơn 3 tháng nay, người nuôi tôm hùm bông trong cả nước lao đao khi đầu ra khan hiếm và giá tôm giảm mạnh chưa từng có. Phải chăng là do Trung Quốc sửa luật và tôm hùm bông nằm trong danh sách cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán?
Tôm hùm rớt giá sâu
Bình Thuận tuy không phải là tỉnh, thành có diện tích nuôi tôm hùm lớn của cả nước, nhưng là 1 trong 9 tỉnh, thành ven biển miền Trung được Bộ NN&PTNT chọn thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025”. Theo đề án này, bộ đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng tôm hùm nuôi đạt 3.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD, từng bước hình thành các vùng sản xuất và xuất khẩu tôm hùm trọng điểm… Huyện đảo Phú Quý là vùng sinh thái đa dạng với tiềm năng rất lớn về nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhất là các loại hải sản có giá trị cao như tôm hùm. Đây được xem là địa phương có các hộ dân nuôi tôm hùm nhiều nhất tỉnh. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 72 cơ sở nuôi trồng hải sản, với diện tích hơn 14.000 m2; trong đó, có 61 hộ nuôi lồng bè với diện tích nuôi trồng là 9.301 m2, 11 hồ chắn với diện tích nuôi trồng là 5.183,9 m2. Đối tượng nuôi chủ yếu cá mú, cá bớp, tôm hùm… năng suất nuôi trung bình hàng năm đạt khoảng 100 tấn. Những năm gần đây, số hộ nuôi tôm hùm cũng thu hẹp dần do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định.
Theo những hộ nuôi tôm hùm nơi đây, 2 tháng gần đây thương lái không đến thu mua, người nuôi phải tiếp tục gánh khoản chi phí phát sinh lớn để duy trì tôm trong lồng như tiền thức ăn, nhân công… Gần đến mùa mưa bão, nên không kịp xuất bán thì bà con sẽ lỗ nặng. Như những tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, từ tháng 9 đến nay, các hộ nuôi tôm hùm lồng bè ở huyện Phú Quý – một trong những vùng nuôi lớn của tỉnh đang rơi vào bế tắc khi giá tôm hùm rớt chỉ còn một nửa. Từ 2,2 – 2,4 triệu đồng/kg vào tháng 9, hơn 2 tháng nay, giá tôm hùm bông tại các tỉnh Nam Trung bộ, trong đó có Phú Quý cũng giảm chỉ còn 1 – 1,1 triệu đồng/kg với loại 1, loại 2, thậm chí có loại chỉ còn 700.000 – 800.000 đồng/kg. Một mức giá theo những người nuôi tôm hùm bông sẽ lỗ rất nặng.
Khi nghe ngóng tình hình, những người nuôi cũng biết nguyên nhân chính là do Trung Quốc đang tạm dừng nhập hàng tôm hùm bông. Bởi, năm 2021, phía Trung Quốc đã sửa đổi Luật bảo vệ động vật hoang dã, trong đó quy định tôm hùm bông được đưa vào Danh mục loài cần được bảo vệ cấp độ 2 (có hiệu lực từ ngày 1/2/2021). Đến tháng 5/2023, nước này tiếp tục sửa đổi luật, trong đó cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông.
Tăng cường xuất khẩu chính ngạch
Theo Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc), cách xác định tôm hùm bông nuôi là không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2). Về thủ tục nhập khẩu tôm hùm bông nuôi vào Trung Quốc, nhà nhập khẩu Trung Quốc phải xin cấp phép về bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc). Thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm không thay đổi so với trước đây. Cơ sở bao gói, cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu phải thực hiện đăng ký danh sách kèm theo thông tin cụ thể về cơ sở nuôi tôm hùm. Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật thông báo sẽ gửi cho phía Việt Nam biểu mẫu đăng ký mới để tiến hành rà soát, thực hiện đăng ký đối với các cơ sở bao gói, cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi nhận được danh sách đăng ký của phía Việt Nam, phía Trung Quốc sẽ tổ chức kiểm tra trực tuyến/hoặc trực tiếp đối với cơ sở nuôi và công bố trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về danh sách các cơ sở của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trước tình hình trên, Cục Thủy sản đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi tôm hùm, chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan triển khai một số nội dung. Tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quản lý giống tôm hùm và chỉ đạo của Cục Thủy sản về việc tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng tôm hùm giống. Theo dõi sát thông tin thị trường để khuyến cáo người dân lựa chọn đối tượng nuôi (giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh) và thu hoạch vào 2 thời điểm thích hợp. Tổ chức xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc…
Có thể thấy, thời gian qua nghề nuôi tôm hùm đang đối diện nhiều thách thức và rủi ro khi đầu ra gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tiểu ngạch. Tôm hùm thương phẩm của tỉnh hầu hết được xuất khẩu tươi sống nguyên con sang thị trường Trung Quốc. Nhưng một lượng lớn trong số đó lại xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch nên kim ngạch xuất khẩu cũng như giá cả bấp bênh. Bên cạnh đó, cũng còn tình trạng người dân không nghe theo hướng dẫn của cơ quan quản lý mà đua nhau nuôi tự phát nên sản phẩm chưa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.
Hiện phía Trung Quốc đang hạn chế việc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch đối với các mặt hàng nông, lâm và thủy sản, trong đó có mặt hàng tôm hùm bông. Do đó, vấn đề sống còn là phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch. Bởi thực tế hiện nay, có đến 90% tôm hùm Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch, nên thường xuyên gặp rủi ro đầu ra. Vì vậy, Đề án “Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025” hướng tới mục tiêu phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm theo hướng bền vững và hiệu quả, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đảm bảo 100% các vùng nuôi tôm hùm tập trung và các cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến, bảo quản tôm hùm xuất khẩu được cấp mã số, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định thị trường tiêu thụ.
Đề án trên cũng đặt ra nhiệm vụ cho Bình Thuận là phát triển nuôi tôm hùm bằng lồng tại đảo Phú Quý với thể tích lồng nuôi 2.700 m3, sản lượng nuôi hàng năm đạt 120 tấn/năm. Vì thế, đòi hỏi các địa phương cần rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất tôm hùm, cả sản xuất giống và vùng nuôi thương phẩm. Tổ chức lại nuôi tôm hùm theo chuỗi giá trị, xây dựng mô hình liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Xúc tiến thành lập Hiệp hội của người nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm hùm Việt Nam…