Kiểu chăn nuôi muốn tiết giảm chi phí để có lợi nhuận, xả mùi hôi ra môi trường sống mà đánh lận trong mùi đặc trưng là không thể chấp nhận được. Nhất là cuối năm nay, Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam ổn định xong giai đoạn 1 với 7.000 lao động và sang năm 2024 sẽ khởi công giai đoạn 2.
10 yêu cầu với trại heo Vissan
Ngày 6/10/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường có thông báo kết quả kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Trang trại Song Hà (trại heo Vissan – pv) của Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản. Cuộc kiểm tra diễn ra từ ngày 25/8/2023 đến ngày 28/8/2023 theo Quyết định số 1614/QĐ-UBND ngày 11/8/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo thông báo, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản đã cơ bản chấp hành thực hiện các hồ sơ, chế độ báo cáo và thực hiện các công trình, biện pháp BVMT theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế 50 m3/ngày đêm vận hành chưa ổn định; kết quả đo đạc, phân tích mẫu nước thải sau xử lý để tái sử dụng cho hoạt động chăn nuôi, tưới cây có 01/06 thông số vượt 1,58 lần so với Cột B (Kq = 0,6, Kf = 1,3) của QCVN 62-MT:2016/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi.
Dựa trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản nghiêm túc thực hiện 10 nội dung. Cụ thể như tiếp tục thực hiện đầy đủ các yêu cầu, biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung báo cáo ĐTM và quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án; các nội dung trong Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường đã được xác nhận. Bên cạnh, khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả xử lý các công trình xử lý chất thải (đặc biệt là công trình xử lý nước thải) để thực hiện duy tu, sửa chữa và nâng cấp các hạng mục công trình lưu chứa, xử lý nhằm đảm bảo vận hành ổn định, chất thải chăn nuôi sau xử lý đạt giá trị cho phép trước khi tái sử dụng cho các hoạt động chăn nuôi, tưới cây; không được phép xả thải ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố của công trình xử lý nước thải. Trường hợp, cơ sở có áp dụng QCVN 01-195:2022/BNNPTNT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng tưới gốc cho cây trồng thì phải thực hiện công bố hợp quy và đăng ký công bố hợp quy theo quy định pháp luật trước khi tuần hoàn, tái sử dụng để tưới gốc cho cây trồng trong phạm vi cơ sở.
Không chỉ thế, còn phải khẩn trương thực hiện đổi mới giải pháp thu gom, xử lý triệt để mùi hôi tại các khu vực có phát sinh, đặc biệt là phía sau của từng dãy chuồng nuôi, khu xử lý nước thải… không để tình trạng mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, khu vực lưu giữ chất thải nguy hại phải đáp ứng các quy định tại Điều 36 của Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Song song, thực hiện yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thực hiện các nội dung Công văn số 3248/STNMT-CCBVMT ngày 18/7/2023, Công văn số 4280/STNMT-CCBVMT ngày 13/9/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường (đã có gửi Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản)… Và cuối cùng là chấp hành Quyết định số 22/QĐ-XPHC ngày 29/9/2023 của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường về xử phạt vi phạm hành chính vì mẫu nước thải sau xử lý để tái sử dụng cho hoạt động chăn nuôi, tưới cây vượt chuẩn quy định.
Phải tuân thủ quy định trước…
Đây không phải lần đầu trại heo Vissan bị phạt. Vì trước đó đơn vị cũng đã bị phạt vi phạm hành chính, cụ thể như tháng 11/2019, đã bị Chủ tịch UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính với hành vi xả thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật với số tiền 200 triệu đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói qua hàng loạt yêu cầu nhắc nhở trên cùng những phản ánh của doanh nghiệp, người dân trong vùng về mùi hôi đậm đặc xuất phát từ trại heo Vissan cho thấy nhiều vấn đề đáng bàn. Trước hết, trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường trong vùng chăn nuôi không có. Gần đây như Công văn 3248 của Sở Tài nguyên & Môi trường yêu cầu tăng cường quản lý, thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường đối với các trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngoài những giải pháp với thời gian thực hiện qua năm 2024 thì không tính, có những biện pháp giảm thiểu mùi hôi phát tán ra môi trường với chi phí thấp, không mất nhiều thời gian nhưng trại heo Vissan cũng không có động thái gì để gọi là có khắc phục.
Cụ thể như khuyến cáo của ngành chức năng là thực hiện quây tole kín bao quanh khu vực phía sau các dãy chuồng nuôi (khu vực có lắp đặt thông gió, quạt hút mùi từ bên trong chuồng nuôi ra bên ngoài), lắp đặt các tấm màn lưới kết hợp với hệ thống phun sương nước (có sử dụng các chế phẩm sinh học, các dung dịch hóa chất hấp thụ) đảm bảo hấp thụ mùi hôi. Nghiên cứu, bổ sung thêm thuốc, men tiêu hóa, chế phẩm sinh học… trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm nhằm giảm mùi hôi từ khối phân thải ra, khử ruồi nhặng…; tăng cường việc thực hiện vệ sinh môi trường, an toàn sinh học trong phạm vi trang trại, khu vực xung quanh.
Chỉ cần thay đổi như trên là đã giảm thiểu mùi hôi. Thực tế, những biện pháp này đã áp dụng tại trang trại nuôi mấy chục ngàn heo ở Hàm Thuận Bắc và đã khắc phục được mùi phát tán ra môi trường. Và không đâu xa, chính trại gà Tafa Việt đã nghiêm túc thực hiện khuyến cáo của ngành chức năng mà đã giảm mùi hôi nhiều trong thời gian chỉ 3 tháng. Còn ở trại heo Vissan này thì không và luôn cho rằng đó là mùi đặc trưng trong chăn nuôi. Ngay cả hôm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải thị sát vị trí gần trại, ai trong đoàn cũng bịt mũi, nhăn mặt nhưng đại diện của trại heo Vissan bảo đó là mùi đặc trưng trong chăn nuôi.
“Trong quy định luật môi trường không có mùi đặc trưng. Nếu mùi đặc trưng theo kiểu đó thì trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải thực hiện hàng loạt giải pháp với đích đến bảo đảm môi trường xung quanh không bị ảnh hưởng để làm gì. Thực tế, nếu tuân thủ ĐTM, có các chứng nhận môi trường thì rất tốn kém nên thường các trại không làm hết. Đó là kiểu chăn nuôi muốn tiết giảm chi phí để có lợi nhuận, xả mùi hôi ra môi trường sống mà đánh lận trong mùi đặc trưng là không thể chấp nhận được. Nhất là cuối năm nay, Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam ổn định xong giai đoạn 1 với 7.000 lao động và sang năm 2024 sẽ khởi công giai đoạn 2” – Bí thư Huyện ủy Đức Linh Nguyễn Văn Húy nói. Đồng thời cho biết đã chỉ đạo UBND huyện tổ chức kiểm tra rà soát việc chấp hành pháp luật về hồ sơ thủ tục đầu tư, thực hiện các dự án chăn nuôi gần các cụm công nghiệp ở Đông Hà, trong đó thống kê đầy đủ các nội dung, hạng mục đã thực hiện, chưa thực hiện; nội dung nào đúng, nội dung nào sai… Sau đó, có cơ sở sẽ kiến nghị tỉnh đình chỉ hoạt động.
Trong tháng 9/2023, Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai đã có yêu cầu tạm dừng hoạt động 328 trang trại chăn nuôi của 4 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, vì chưa được cấp giấy phép môi trường, xác nhận đăng ký môi trường. Với tình trạng gây ô nhiễm môi trường kéo dài, nhân dân tỉnh này yêu cầu xem xét thêm vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Bài 1: Kinh tế xanh đã trỗi dậy, mùi hôi vẫn còn
Bài 2: Bên nhiệt tình khắc phục, bên đòi hỗ trợ