BTO-Đến xã Đất Mũi – vùng đất cực Nam của Tổ quốc thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau hoang sơ, xinh đẹp, chạm tay vào cột mốc chủ quyền đầy kiêu hãnh, thấy càng thêm yêu Tổ quốc.
Đất Mũi cách thành phố Cà Mau của tỉnh Cà Mau hơn 100km, di chuyển bằng ô tô khoảng 3 tiếng đồng hồ là đến nơi. Trước đó, chúng tôi trải qua đoạn đường dài 11 tiếng từ thành phố Phan Thiết, Bình Thuận, song cảm giác lâu nhất vẫn là đoạn từ thành phố Cà Mau về Đất Mũi vì đường hẹp khó đi. Hai bên đường hoa cỏ lau trắng trời, xa xa là những cánh đồng ngập mặn mênh mông; kênh, lạch đước, vẹt, tô thêm một màu xanh ngút ngàn..
Bà Út Nguyên, người Bạc Liêu bán sản vật nuôi trồng cho Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn – Đất Mũi nói: “Tôi về Đất Mũi lập nghiệp khá lâu, hằng ngày làm rẫy và đánh bắt hải sản từ kênh, lạch mang ra chợ bán hoặc bán cho các điểm du lịch. Sống trên sông, nước xa xôi tưởng chừng quên “con chữ”, nhưng người dân ở đây rất có ý thức bảo vệ môi trường”. Bà Nguyên cũng như người dân trong thôn, xóm thường xuyên tự dọn vệ sinh khu vực mình ở, rác thải sinh hoạt gom bỏ vào lò đốt. Người đi bán nông sản ở đâu cũng gom rác về nhà bỏ vào lò rác hoặc bỏ đúng nơi quy định, không vứt ra nơi công cộng.
Điều ấy khẳng định môi trường Đất Mũi – địa danh thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam, nơi ai cũng muốn một lần đặt chân đến rất xanh, sạch. Chưa kể Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nổi tiếng mang tính địa lý, văn hóa, danh thắng và du lịch sinh thái tiêu biểu của cả nước xanh, sạch hơn.
Vườn được thành lập năm 2003 khi Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi được chuyển thành Vườn quốc gia trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, có tổng diện tích tự nhiên hơn 41.860 ha. Đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước ta và thứ 2.088 của thế giới, nơi tiếp giáp với biển Đông và biển Tây nên chịu ảnh hưởng cả hai chế độ thủy triều: bán nhật triều biển Đông và nhật triều biển Tây. Nơi đây là bãi sinh sản của nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao và là điểm dừng chân của nhiều loài chim nước di cư trú đông.
Trong rừng có nhiều điểm đáng nhớ như Km 2436 của đường Hồ Chí Minh – con đường bắt đầu từ Pác Bó – Cao Bằng đi qua 28 tỉnh thành phố và kết thúc ở điểm cực nam của Tổ quốc; tiểu cảnh Pano hình con tàu hướng ra biển Đông – biểu tượng của Đất Mũi Cà Mau; cột cờ Hà Nội cao 45m, biểu tượng thể hiện sự gắn bó Bắc – Nam một nhà… Đặc biệt, Cột Mốc tọa độ GPS 0001, một trong bốn điểm cực đánh dấu lãnh thổ Việt Nam trên đất liền, ai đến cũng chạm tay ghi lại tấm hình kỷ niệm. Gần cột mốc có các bản đồ cổ gồm “An Nam đại quốc Họa đồ” năm 1838 và “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” năm 1904 chứng minh chủ quyền quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, còn có tour xuyên rừng trải nghiệm, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn và tìm hiểu hệ động, thực vật dưới tán rừng. Tại điểm cuối bãi bồi ngắm biển đỏ màu phù sa cho chúng tôi cảm nhận thấy rừng và biển hòa quyện nhau, nghĩa là đất bồi, rừng mọc, biển sinh sôi hay còn gọi là “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Toàn cảnh rừng là bức tranh khổng lồ mang gam màu xanh chủ đạo, hướng ra biển, không ô nhiễm rác ven bờ, thể hiện sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và Vườn quốc gia bảo vệ môi trường ở đây khá tốt. Tạo cho điểm đến thêm phần đặc biệt, ai đến cũng muốn ở lại hòa mình vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân, tận hưởng những món ăn dân dã đậm tình đất, tình người.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Cà Mau – Đất Mũi sẽ chạy song song với tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đến thị trấn Rạch Gốc, rồi về Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Cùng với các tuyến đường trục ngang Đông – Tây, tuyến cao tốc Cà Mau – Đất Mũi sẽ là trụ cột cho phát triển kinh tế biển, khai thác tiềm năng và thế mạnh của cực Nam Tổ quốc….
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/ve-noi-cuoi-troi-dat-mui-ca-mau-125080.html