“… Gió heo may đã về/ Chiều tím loan vỉa hè/ Và gió hôn lên tóc thề/ Rồi mùa thu bay đi/ Trong nắng vàng chiều nay”… (Nhìn những mùa thu đi – Trịnh Công Sơn).
Mùa thu, gió heo may đã về. Một chút gió nhẹ, một chút se lạnh, một chút héo héo, khô khô, lẫn trong không khí của một buổi sớm mai. Năm nay mùa thu về có bão rớt. “… Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm…” (nhạc phẩm Hội trùng dương – Phần II của Phạm Đình Chương).
Mùa thu, một mùa đẹp đẽ biết bao! Thương những chiếc lá vàng còn vấn vương cây cành chưa chịu rụng, và lẫn khuất trong kẽ lá vàng là những chồi non lác đác nhú lên, để rồi mùa thu sau hoặc nhiều mùa thu nữa lại âm thầm rụng xuống…
Có nhiều bài thơ, bài nhạc, bài văn, bức họa… ca ngợi mùa thu, nhưng nghiệt ngã thay, mùa thu lại là mùa của gió heo may – một thứ gió man mác buồn – ám chỉ những người già – để một ngày nào đó không rụng như lá, mà là… quỵ xuống! Nghĩ về tuổi già, tôi rưng rưng nhìn những chiếc lá toong-teng, hình như chúng còn tiếc nuối một thời xanh biếc bất chấp nắng mưa bão tố, ngày lại qua ngày hờ hững đi qua, nhưng lá ơi, sẽ có một ngày mi rụng xuống, và trong tôi hình như cũng thoáng đau khi nghe một tiếng rơi!
Gió heo may đã về! Dù không đợi nó cũng đến, không biết đây là tin vui hay tin buồn cho những ai chập choạng trong buổi hoàng hôn? Có đôi khi, tôi tự hỏi rằng, già rồi thì sao?
Theo nhạc sĩ Y Vân “sáu mươi năm cuộc đời” hình như không còn đúng ở thế kỷ 21 này với những phương tiện y học tối tân thì “sáu mươi năm cuộc đời” trông còn rất trẻ so với thế kỷ 21! Có nhiều người già mỗi năm họ dửng dưng với gió heo may về, “cứ cưa sừng làm nghé”, nhưng một ngày nào đó bỗng thấy mình không còn trẻ nữa thì giật mình với gió heo may! Và bây giờ khi vào “tuổi gió heo may” người ta vội vã tập bước đều, tập giậm chân tại chỗ, những người già thì tìm thuốc trường sinh để chờ hiệu lệnh một hai… một hai… đứng lại… đứng! Và tan hàng… cố gắng! Nhưng đến nước này rồi thì cố gắng gì nữa, nếu có thì chỉ có “cố” mà ít khi “gắn” được nữa!!!
Mỗi sáng sớm, tôi thức dậy ra đường đi bộ, nhìn năm bảy cặp quần áo, giày dép hàng hiệu… đi tập rất mạnh mẽ. Tháng thứ nhất còn đủ. Tháng thứ hai, một cặp lẻ loi, tháng thứ ba, còn chừng hai cặp. Hỏi thăm chú hai, cô ba, đâu rồi mà không thấy đi tập nữa? Họ “đi về nơi xa lắm”! Nghĩa là… rụng rồi!
Cứ hằng năm gió heo may lại về… Những người đến độ tuổi heo may nếu có một gia đình yên vui hạnh phúc thì không nói gì, ngược lại có không ít (ngay cả những nước tân tiến như Anh, Pháp, Mỹ…) còn nhiều người già bất hạnh, không nơi nương tựa, đói rét… bị con cái người thân đối xử phũ phàng mà người ta hay dùng chữ “neo đơn”, tôi nghĩ “đơn” thì có, nhưng “neo” thì không, bởi họ đâu có bến bờ nào để mà neo, thì về đâu hỡi gió heo may?
Hằng năm, gió heo may về, tôi thường kiểm tra lại “trang thiết bị”, chắc phải “làm đồng”, “rã máy” vì có tiếng kêu lạch cạch, không “dzọt” mặc dù đã “xiết” hết ga!
Tôi dân La Gi, nhưng viết bài này ở Sài Gòn, bất chợt, nhớ những mùa heo may ở Bình Tuy. Một mùa thu có mưa nhẹ, trời đôi khi chỉ hửng nắng cho ta cảm giác một vùng quê yên bình. Mùa gió heo may, tôi nhớ những năm nào xa lắm, tôi, một mình đi trên bãi cát biển Lagi, nhìn ra Hòn Bà, ngó xa hải đăng Kê Gà, thấy tất cả trời nước như mù mù trong làn sương nhẹ, cho tôi một cảm giác cô đơn, hiu quạnh đến chạnh lòng!
Sáng nay, bầy chim sẻ sà xuống sân vườn nhà bên cạnh để chờ những hạt thóc của người hàng xóm tốt bụng. Nhìn những con chin sẻ hồn nhiên ăn thóc, tôi thương chúng quá, đời sống của chúng cũng đâu thoát được sinh lão bệnh tử và trong số này, không biết có con nào đến tuổi “gió heo may chưa”?
Thơ, nhạc, văn… viết về mùa thu nhiều lắm. Đời sống bây giờ người ta có rất ít thời gian để đọc thơ văn về mùa thu, có lẽ nghe nhạc thu là tiện nhất.
Xa quê lâu rồi, nhưng mỗi năm mùa heo may về là tôi nhớ Bình Tuy, nhớ gió biển Đồi dương Tân Long những sớm mai nắng nhẹ, nhớ mùi khai cá khô, nước mắm La Gi. Một mùi kỳ lạ quá: Gần thì không chịu được, nhưng xa thì nhớ! Một mùa gió heo may nữa lại về… Có hàng chục bài hát về thu, nhưng sao tôi chỉ muốn nghe “Thu sầu”, của Lam Phương với giọng hát Kim Anh, và hình như qua Kim Anh đã làm thu sầu lại sầu thêm. Và tôi, một ông già hoàng hôn thoáng lạnh bởi ngọn gió heo may và khép cửa lại để nghe:
Mùa thu thưa nắng, gió mang niềm nhớ
Trời chiều man mác, buồn nát con tim
Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên
Quên đi cho hết một kiếp thương đau…