Trên chặng đường 40 năm hình thành và phát triển của Hội Văn học – Nghệ thuật Bình Thuận, Chi hội Văn học – Nghệ thuật Tuy Phong đến nay cũng vừa tròn 20 năm thành lập. Với thế mạnh lĩnh vực Văn học và Nhiếp ảnh nghệ thuật đã tạo được sự đón nhận qua từng tác phẩm.
Có lẽ cái tiết khí của vùng đất Tuy Phong, mang sứ mệnh địa đầu của tỉnh Bình Thuận từ hơn 200 năm có tác động đến ý chí, bản lĩnh và cả tâm hồn, lòng nhân ái của con người ở đây. Tôi may mắn tham gia biên soạn tác phẩm Văn học kháng chiến Bình Thuận (Hội Văn học – Nghệ thuật Bình Thuận – 2020), qua di cảo mà biết đến cố nhà văn liệt sĩ Yên Hy Ba (Lê Duy Hiến- quê Chí Công) với tài năng qua các truyện ký trong kháng chiến. Tôi lại say mê với những trang tư liệu khi đọc tập sách Địa chí Phan Rí Cửa, do Hội Nhà văn xuất bản năm 2015, gần 600 trang, ở phần những sáng tác văn, thơ, nhạc của Phan Rí Cửa, có cảng Phanri Port – tức một thị trấn xưa của huyện Tuy Phong, đã gây cho tôi bao ngỡ ngàng, xúc động. Là những tác giả ở phụ lục tác phẩm tiêu biểu như Nhà biên kịch điện ảnh Phạm Thùy Nhân, với những thước phim quá nổi tiếng, gắn với miền biển quê hương nắng – gió – cát lại là quê hương của mình. Với nhà văn Đoàn Thạch Biền, trước 1975 là người quê xa, từng một thời dạy học ở đây nhưng đã ắp đầy cảm xúc trong nhiều tác phẩm văn học của anh…
Không thể quên nhắc đến nhà thơ Huỳnh Hữu Võ, quê quán Tuy Phong (đã mất) để lại những bài thơ đằm thắm tình quê nối tiếp trước và sau năm 1975. Anh có hai tập thơ đã xuất bản nhưng với tập Tháng giêng gió thổi mù như khói (1998), được giải B Dục Thanh năm 2000, để lại ấn tượng rất riêng của anh. Nhiều bài thơ của anh có duyên với âm nhạc, có đến 100 ca khúc phổ thơ Huỳnh Hữu Võ (tập Vịn tay vào gió – 2014)… Cũng như Tô Duy Thạch, các anh mất đi nhưng với sự đóng góp đã có một vị trí trên diễn đàn văn học tỉnh nhà, đó là những dòng thơ quê hương bất tuyệt.
Với lực lượng những cây bút sau này, bài viết chỉ đề cập giai đoạn 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội Văn học – Nghệ thuật Bình Thuận (2018 – 2023) cũng là thời gian nhiệm kỳ của Chi hội Tuy Phong, chỉ không thực hiện với năm ảnh hưởng dịch Covid-19. Đến giờ chi hội còn 20 hội viên, trong đó có 8 hội viên nhiếp ảnh… Thực tế hầu như đang ở vào độ tuổi 60- 80… nhưng vẫn có mặt đều đặn trên những trang văn, trang thơ trên diễn đàn văn học, triển lãm của tỉnh và xa hơn.
Thời gian 5 năm qua, Chi hội Văn học – Nghệ thuật Tuy Phong đã khẳng định được một phần đáng kể trong hoạt động sáng tác của tỉnh. Đó là những tác phẩm đầy chiêm nghiệm, tái hiện để có được 2 tập truyện dài rất công phu, một của Nguyễn Phương (Truyện một người hành khất – 8/2019), một của Hồ Việt Khuê (Làng chài, sóng và gió 11/2023). Riêng Hồ Việt Khuê lại lặng lẽ lập kỷ lục 2 tập truyện ngắn (Những ngày trở gió – 2021 và Bàn tay ấm còn thơm- 2022). Các tập thơ của các tác giả đã lắng lòng cho từng con chữ là Trần Yên Thế, Thái Thị Ngân Khang, Dương Hoàng Hữu, Phạm Bình, Nguyễn Duy Sinh, Tô Duy Thạch (đã mất). Đặc biệt với Nguyễn Duy Sinh thêm lần thứ 2 và đạt giải C – Văn học – Nghệ thuật Dục Thanh (tập thơ Mắt gió luân hồi), Dương Hoàng Hữu với giải nhất cuộc thi Thơ tạp chí Văn nghệ Bình Thuận. Một mảng đề tài hiếm hoi và Kinh Duy Trịnh – hội viên, vừa là nhà giáo, chuyên viên biên dịch sách giáo khoa, đã chuyển ngữ 2 tập cổ tích Chăm, từ nguyên bản Chăm cổ qua tiếng Việt (giải B – Văn học – Nghệ thuật Dục Thanh 2023).
Tôi tin vào chủ quan của mình, lực lượng sáng tác văn học của Chi hội Tuy Phong thật sự là mạnh, đều tay, có một năng lực khó bao giờ già. Phong cách ngôn ngữ trong tác phẩm (tiểu thuyết, truyện ngắn) rất riêng ở mỗi tác giả, luôn có sự cảm thấu tinh tế, đau đáu về một xã hội nhân văn, tình người. Và những tác phẩm thơ đã đong đầy mượt mà, lung linh nỗi nhớ với hương vị đắng ngọt của quê nhà.
Ở chuyên ngành nhiếp ảnh, mỗi tay máy phải bỏ nhiều công sức, nghiên cứu đề tài để có những góc nhìn mang ý nghĩa và giá trị nghệ thuật. Hiện nay chi hội có 6 hội viên Hội Nhiếp ảnh Việt Nam. Nhiệm kỳ vừa qua lĩnh vực nhiếp ảnh đã tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả đáng kể. Cụ thể các giải của tỉnh Bình Thuận: 1 giải nhất (Nét đẹp quê hương), 1 giải nhì (Bãi rêu Tuy Phong). Các giải Trung ương: 1 triển lãm quốc gia và 1 triển lãm Tổng cục Mỹ thuật.
Các hội viên có tác phẩm đạt thành tích, với Huỳnh Trọng Lan: giải ba (Sắc màu Bình Thuận), triển lãm quốc gia (Ra đồng và chăm con). Với Lê Minh Ngọc có 2 tác phẩm triển lãm miền Đông Nam bộ. Phạm Hoài Phương đạt giải 3 về Rừng liên hoan ảnh miền Đông Nam bộ, giải khuyến khích quốc tế GBU (Ánh mắt) và triển lãm quốc tế (Tình mẫu tử)… Lê Nam với sức trẻ, giàu năng lượng sáng tạo, đã có 6 tác phẩm triển lãm quốc gia, 23 ảnh chọn treo liên hoan khu vực Đông Nam bộ, 1 giải xuất sắc Di sản, 3 giải về Thanh long Bình Thuận, giải 2 và 3 Sắc màu Bình Thuận. Tham dự giải quốc tế, Lê Nam xứng danh “Ống kính vàng” với 4 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ và 10 bằng danh dự. Những tác phẩm nhiếp ảnh của hội viên Chi hội VHNT Tuy Phong sẽ có điều kiện lan tỏa, quảng bá hình ảnh sinh động, chân thực về đất nước, con người Tuy Phong đến khắp nơi và quốc tế.
Chi hội VHNT Tuy Phong cũng cùng một cơ chế quy định như các Chi hội VHNT huyện, thị xã trong tỉnh. Hệ thống tổ chức liên quan đến sự đầu tư chỉ có từ Trung ương đến tỉnh, thành phố lớn là hết, và về quản lý theo chuyên ngành (Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu…). Do đó kinh phí hoạt động của chi hội cơ sở dựa vào nguồn hỗ trợ, chủ yếu cho các sự kiện văn hóa của địa phương. Biết rõ những quy định về quản lý ngân sách nhà nước, Chi hội VHNT Tuy Phong đã tranh thủ vào sự vận dụng của các cấp ngành liên quan trong giới hạn cho phép nên duy trì được hoạt động. Trước nhất phải bằng “cái thực mới vực được đạo” – có thực ở đây là sự thuyết phục qua hoạt động, là sản phẩm nghệ thuật… Nhờ đó Tuyển tập Văn nghệ Tuy Phong đã ra mắt vào dịp mừng xuân hàng năm. Với tiêu chí của tuyển tập là phải đảm bảo được nội dung phản ánh diện mạo mới trong quá trình phát triển của địa phương, đồng thời với những sáng tác của hội viên chi hội có được một mảnh đất văn chương, hình ảnh nghệ thuật sinh động.