Mặc dù toàn tỉnh đã hoàn thành 100% việc lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), nhưng tình trạng tàu cá mất kết nối khi đang hoạt động trên biển vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 1.945 tàu cá còn hoạt động có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS đạt tỷ lệ 100%. Tập trung nhiều tại 4 địa phương trọng điểm nghề cá là La Gi, Phú Quý, Phan Thiết và Tuy Phong. Tính đến 15/3/2024, tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị VMS trên 6 tháng của tỉnh Bình Thuận là 16 tàu (trong đó, 2 tàu có chiều dài trên 24 m, 14 tàu có chiều dài từ 15 đến dưới 24 m). Kết quả rà soát, kiểm tra đối với 2 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên là tàu cá BTh-97188-TS và tàu cá BTh-99577-TS đều thường trú tại xã Tam Thanh, huyện Phú Quý. 2 trường hợp này đều mất kết nối trong bờ, do làm ăn thua lỗ nên tàu nằm bờ, không duy trì hoạt động. Hiện tại, 2 tàu cá này đang neo đậu tại Cảng Phú Quý, thuộc đối tượng thi hành án, chờ thanh lý. Đối với 14 tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m, qua xác minh ban đầu, tàu BTh-99860-TS do Trần Ngọc Hòa làm chủ, thường trú tại khu phố 8, phường Bình Tân, thị xã La Gi, bị chìm ngoài biển vào tháng 12/2023, mất hết giấy tờ và đang làm thủ tục xóa đăng ký. Tàu BTh-98467-TS của ông Trần Văn Lai, thường trú tại phường Phước Hội, La Gi. Chủ tàu đã chết, đang tranh chấp quyền thừa kế tài sản. Tàu đang neo đậu tại Cảng cá La Gi từ tháng 8/2023 đến nay. 12 tàu còn lại do làm ăn thua lỗ, đậu bờ chờ bán.
Đối với trường hợp tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị VMS quá 10 ngày, toàn tỉnh có 386 tàu cá, trong đó, 2 tàu cá có chiều dài trên 24 m, 384 tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m (quý 4/2023 có 247 tàu; từ 1/1/2024 đến 29/2/2024 có 137 tàu). Đối với 2 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên, qua xác minh cho thấy, tàu BTh-96939-TS mất kết nối do thiết bị VMS bị lỗi kỹ thuật và đã vào bờ neo đậu tại Cảng Phú Quý từ ngày 17/10/2023 (vào bờ trước 10 ngày) và đã có tín hiệu VMS lại ngày 25/10/2023. Chi cục Thủy sản đã có văn bản báo cáo kết quả phối hợp xử lý cho Trung tâm Thông tin Thủy sản. Trường hợp thứ 2 là tàu cá BTh-97168-TS, mất kết nối VMS vào ngày 26/10/2023. Qua đối chiếu dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá, tàu này đang hành trình từ Cảng Phú Quý đến Cảng Phan Rí Cửa để lấy nhiên liệu, đã vào Cảng Phan Rí Cửa lúc 16h00 cùng ngày và tắt thiết bị VMS trước khi cập cảng nên trên hệ thống không cập nhật vị trí ở cảng. Tàu cá này đã có tín hiệu VMS lại vào ngày 6/11/2023. Như vậy, qua xác minh thì cả 2 tàu cá nêu trên đều đã vào bờ trước 10 ngày nên không thuộc trường hợp phải lập hồ sơ xử phạt.
Đối với 247 tàu cá mất kết nối quá 10 ngày trong quý IV năm 2023, có 1 tàu mất kết nối ngoài khơi, đang được các lực lượng chức năng rà soát, xác minh, xử lý theo quy định; 246 tàu mất kết nối trong bờ, hiện nay có nhiều tàu đã kết nối hoạt động trở lại, còn lại đang đậu tại các cảng cá trong tỉnh. Đối với 137 tàu mất kết nối quá 10 ngày từ ngày 1/1/2024 đến 29/2/2024, có 3 tàu mất kết nối ngoài khơi và 134 tàu mất kết nối trong bờ. Theo đó, 3 tàu mất kết nối ngoài khơi đang được các lực lượng chức năng của tỉnh rà soát, xác minh, xử lý theo quy định; 131 tàu cá mất kết nối trong bờ, hiện nay có 40 tàu đã kết nối và đi hoạt động trở lại, số còn lại đang đậu tại các cảng cá trong tỉnh.
Phân tích nguyên nhân, lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho rằng, chủ quan là do chủ tàu không đóng phí dịch vụ hoạt động của thiết bị VMS, thuyền trưởng tắt hoặc vô hiệu hóa thiết bị, do mất nguồn năng lượng (kể cả thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời). Ngoài ra còn do lỗi kỹ thuật, chất lượng của thiết bị không đảm bảo, phần mềm giám sát tàu cá nhiều lúc thiếu ổn định cũng là nguyên nhân mất kết nối. Cũng có trường hợp thuyền trưởng cố tình tắt hoặc vô hiệu hóa thiết bị để vượt ranh giới khai thác ngoài vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên những trường hợp này, ngành chức năng chưa thể sử dụng dữ liệu VMS làm căn cứ pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, các hành vi vi phạm IUU kể cả tàu cá khai thác ngoài vùng biển Việt Nam được phát hiện thông qua hệ thống giám sát VMS vẫn không xử phạt được, chỉ dừng lại ở mức cảnh báo, nhắc nhở đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý.
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng và xử lý thông tin, dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 960/QĐ-UBND ngày 27/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị Cục Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Hải quân khi nhận được thông báo tàu cá mất kết nối/tàu cá vượt ranh giới trên biển từ Chi cục Thủy sản, phối hợp nhắc nhở chủ tàu, thuyền trưởng khắc phục tín hiệu kết nối (hoặc kêu gọi tàu cá quay trở lại ranh giới trên biển), đồng thời tiến hành kiểm tra, xử lý, xử phạt theo thẩm quyền. Ngoài ra, kịp thời trao đổi, cung cấp các thông tin liên quan đến tàu cá mất kết nối/vượt ranh giới trên biển với các đơn vị chức năng của tỉnh Bình Thuận, để xử lý theo quy định.