Nghệ thuật trình diễn dân gian của người K’ho tại Bình Thuận được lưu truyền từ đời này qua đời khác chủ yếu bằng truyền miệng và thực hành diễn xướng trong cộng đồng. Vì thế việc thắp lửa đam mê, ươm mầm cho thế hệ trẻ tiếp nối, sáng tạo, là câu chuyện mà Bảo tàng tỉnh đang thực hiện, nhất là khi những giá trị văn hóa này đang dần bị nhiều hình thức giải trí hiện đại lấn át…
Loại hình nghệ thuật gắn liền với tín ngưỡng
Trong tiến trình lịch sử tồn tại và phát triển, cũng như các dân tộc khác trong tỉnh, dân tộc K’ho đã sản sinh ra nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian phục vụ đời sống, sinh hoạt tín ngưỡng, lễ nghi, lễ hội của cộng đồng, dòng tộc, gia đình, trong đó có dân ca, dân nhạc, dân vũ. Loại hình nghệ thuật đó được coi như phương tiện, cầu nối giữa con người với con người, giữa con người với các đấng thần linh, tạo mối quan hệ gắn kết cộng đồng và không ngừng được sáng tạo, bồi đắp qua từng thế hệ để tạo nên giá trị bản sắc văn hóa riêng.
Theo lời kể của các nghệ nhân ở Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc): Trong lễ nghi cúng lúa mới của dân tộc đều có điệu hát “Cúng lúa mới” với tiết tấu chậm rãi, mang yếu tố tâm linh. Khi các nghi thức lễ kết thúc người K’ho thường diễn xướng các động tác múa tín ngưỡng dân gian để tạ ơn thần linh. Còn trong sinh hoạt cộng đồng, cuộc vui của gia đình, dòng họ trong dịp tết, đám cưới, đám hỏi và lao động sản xuất sẽ hát các điệu “Tỏ tình”, “Ô mê lơi”, “Đối đáp”… để dặn dò, dạy dỗ, khuyên nhủ con cháu làm những điều tốt; kể về cuộc sống khó khăn trước đây và các vấn đề khác diễn ra thường ngày. Trước đây nhạc cụ của dân tộc K’ho rất phong phú nhưng hiện nay chỉ còn lưu giữ được cồng, chiêng, trống Sagơr, kèn bầu, lục lạc. Các nhạc cụ này thường được diễn tấu với các điệu nhạc trong các lễ cúng của gia đình, dòng tộc và các lễ hội, ngày vui của cộng đồng.
Truyền dạy
Nghệ thuật dân gian vừa là phương tiện chuyển tải các thành tố văn hóa dân gian, vừa là tác nhân trực tiếp trong đời sống tinh thần và đời sống xã hội, vừa là những sản phẩm nghệ thuật phản ánh tinh thần lao động, tình cảm, là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con người, có sức sống mãnh liệt được truyền lưu qua nhiều thế hệ trong lịch sử từng dân tộc. Bản chất của nó là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, trải qua thời gian, do điều kiện cuộc sống, phương thức sản xuất có nhiều thay đổi, quá trình tiếp xúc, giao lưu với nhau của các dân tộc anh em và thiếu sự quan tâm đúng mức trong việc gìn giữ, trao truyền giữa các thế hệ nghệ nhân, bậc ông cha đi trước cho thế hệ con cháu đi sau nên nhiều bài diễn xướng dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào K’ho bị quên lãng và mất dần theo thời gian.
Ông K’ Văn Vền – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Giang chia sẻ: Người K’ho tuy vẫn lưu giữ các điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc mình nhưng số lượng người biết hát, múa và sử dụng nhạc cụ truyền thống ngày càng khan hiếm, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay ít biết hoặc không biết diễn xướng. Vì thế được Bảo tàng tỉnh hỗ trợ mở lớp truyền dạy sẽ góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các nghệ nhân, cũng như người học trong việc gìn giữ, trao truyền.
Tâm huyết, cố gắng gìn giữ, bảo tồn văn hóa phi vật thể để trao truyền cho thế hệ mai sau hồn cốt của dân tộc, nên khi được mời đứng lớp, các ông K’Văn Phiếp, Huỳnh Văn Đẹp, K’ Văn Bún, bà K’ Thị Hậu (xã Đông Giang) đều rất nhiệt tình. Bởi họ có niềm tin từ đây nét văn hóa đặc sắc của dân tộc sẽ được lưu truyền trong cộng đồng, không còn sợ mai một.
Còn với những người trẻ theo học như chị K’ Thị Diễm, K’ Thị Huyên, anh K’ Văn Tin… lại thấy tự hào và hiểu thêm văn hóa dân tộc mình. Trước xu hướng các dòng nhạc hiện đại phổ biến hiện nay, thì bài học mà các nghệ nhân hướng dẫn giúp các em nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc lưu giữ, tuyên truyền đến bạn bè, người thân và cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Thấy được sự hăng say của cả người dạy cũng như người học trong những ngày mở lớp, ông Trần Xuân Phong – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận bày tỏ: Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, được triển khai trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa lớn. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc K’ho sẽ làm phong phú thêm văn hóa địa phương, nâng cao khả năng thực hành văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc, mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu đất và người Bình Thuận đến bạn bè và du khách.