Tin mới y tế ngày 4/10: Ung thư giai đoạn cuối vì chủ quan với viêm gan B
Người đàn ông 42 tuổi được chẩn đoán mắc viêm gan B thể hoạt động nhưng không tuân thủ điều trị suốt 10 năm.
Gánh họa vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Bệnh nhân là Đ.N.T., 42 tuổi, nhập khoa Ngoại Gan mật, Tiêu hóa và Ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong tình trạng khối u gan gần 20 cm xâm lấn cơ hoành, huyết khối thân chung tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ dưới lan tới sát tim.
Ảnh minh họa |
Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư gan đã tiến triển đến giai đoạn cuối, xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới và tĩnh mạch cửa.
Trước đó, ông T. được chẩn đoán mắc viêm gan B thể hoạt động từ năm 2014. Tuy nhiên, bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Đầu năm 2024, ông T. bắt đầu cảm thấy đau tức hạ sườn phải và sút cân nghiêm trọng, mất khoảng 8-10 kg. Đến tháng 5, bệnh nhân được phát hiện ung thư gan giai đoạn muộn.
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Trường Giang, Khoa Ngoại Gan mật, tiêu hóa và ung bướu, cho biết khối u của bệnh nhân không chỉ gây đau đớn liên tục mà còn có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Không phẫu thuật sẽ dẫn đến suy gan cấp, đe dọa tính mạng.
Đây là ca phẫu thuật rất khó khăn, bởi tình trạng bệnh nhân ở giai đoạn rất muộn, với khối u lớn, xâm lấn mạch máu chính. Tỷ lệ thành công trong những trường hợp như thế này là rất thấp. Nhưng phẫu thuật lại là lựa chọn duy nhất hiện nay.
Ca phẫu thuật đã kéo dài gần 9 giờ, bao gồm việc cắt bỏ hoàn toàn gan phải (kích thước gần 20 cm), lấy huyết khối từ tĩnh mạch chủ dưới và tái tạo lại mạch máu.
Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải sử dụng hệ thống hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể để duy trì sự ổn định tuần hoàn máu. Đặc biệt, các bác sỹ phải đối mặt với thách thức lớn về tình trạng rối loạn đông máu, mất máu nhiều và toan chuyển hóa nặng.
Sau phẫu thuật, ông T. được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, tình trạng của bệnh nhân bắt đầu cải thiện sau 2 ngày. Đến ngày thứ 5, bệnh nhân đã được rút ống thở và các cơ quan dần hồi phục. Hiện bệnh nhân ổn định và ra viện.
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có đến 257 triệu người mắc viêm gan B trên thế giới (tương đương 8,1% dân số).
Số liệu ước tính ở Việt Nam năm 2020 có 8,9 triệu ca viêm gan B mạn tính, 58.650 bệnh nhân xơ gan, 25.000 bệnh nhân ung thư gan và có đến 40.000 người tử vong hàng năm vì bệnh lý này.
TS.Ngô Chí Cương, Phó Giám đốc chuyên môn, Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Trưởng Chuyên khoa Truyền nhiễm & Y học Nhiệt đới, Hệ thống Y tế Medlatec cho biết, nếu không sớm được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm gan B có thể tiến triển mạn tính, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ gan, suy gan, ung thư gan. Đặc biệt, bệnh nhân viêm gan B có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 100 lần bình thường, với tỷ lệ tử vong rất cao.
Trước những con số đáng báo động về thực trạng viêm gan B hiện nay, TS.Cương đưa ra khuyến cáo, người dân cần chủ động trong việc thăm khám sức khỏe định kỳ, thực hiện xét nghiệm sàng lọc để phát hiện virus viêm gan.
Tùy từng giai đoạn của bệnh, các bác sỹ sẽ có phương án điều trị thích hợp. Thời điểm phát hiện bệnh quyết định hiệu quả điều trị, hạn chế các biến chứng nguy hiểm và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Một người tử vong sau gần 2 tháng bị chó cắn
Chị N.T.T.B. (28 tuổi, ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) bị chó ở nhà nuôi cắn vào ngón tay cách đây khoảng 2 tháng vừa tử vong, nghi do bệnh dại.
Ngày 3/10, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận thông tin, vừa ghi nhận trường hợp chị N.T.T.B. (28 tuổi, trú khu phố Lập Vinh, thị trấn Thuận Nam, Hàm Thuận Nam) tử vong nghi do bệnh dại.
Theo kết quả giám sát dịch tễ, vào đầu tháng 8/2024, chị B. bị chó ở nhà nuôi cắn vào ngón tay nhưng không chảy máu. Khi bị cắn, chị B. không có biện pháp xử lý vết thương và không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại mà chỉ mua thuốc nam về uống.
Vào ngày 26/9, chị B. bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, ớn lạnh và sốt. Đến ngày 28/9, người nhà đưa chị đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus dại, sau đó bệnh nhân tử vong.
Qua điều tra xác minh, tại nhà chị B. cũng có hai người bị chó cắn, cả hai đều không tiêm vaccine phòng bệnh dại sau khi bị cắn.
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Thuận đã ghi nhận 9 trường hợp không qua khỏi do bệnh dại. Ngành y tế tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng liên tục 15 phút.
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo
Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Vắc-xin phòng dại không gây hại cho người tiêm. Vắc-xin phòng dại được sản xuất từ vi-rút dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân đừng ngần ngại, hay do dự tiêm vắc-xin phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, người dân nếu có điều kiện có thể tiến hành tiêm vắc-xin dự phòng trước phơi nhiễm dại.
Theo đó, nếu tiêm dự phòng, chỉ cần tiêm 3 mũi, hoàn toàn linh động về mặt thời gian. Khi chẳng may bị chó, mèo cắn, lịch tiêm sẽ đơn giản hơn, chỉ cần tiêm 2 mũi vắc-xin mà không cần phải tiêm huyết thanh kháng dại kể cả khi vết thương nặng, vị trí cắn gần với thần kinh trung ương hoặc nơi tập trung nhiều dây thần kinh.
Trong khi đó, nếu không tiêm phòng dại trước khi bị chó, mèo cắn thì cần phải tiêm 5 mũi với thời gian khắt khe trong một tháng, đặc biệt là trường hợp bị vết thương nặng, vị trí trọng yếu thì cần phải tiêm huyết thanh, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và lịch sinh hoạt cũng như là phải chịu đựng đau đớn hơn và nhiều tác dụng phụ hơn.
Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, không phải lúc nào huyết thanh kháng dại và vắc-xin cũng luôn sẵn sàng, có những thời điểm khan hiếm khiến do người dân bị động vật cắn rất hoang mang, lo sợ.
Đối với trẻ em, việc tiêm ngừa dại trước phơi nhiễm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì trẻ em thường không để ý đến những vết thương do động vật gây ra trong quá trình đùa với thú cưng bị xây sát và có thể trẻ quên mất việc cần thông báo cho bố mẹ biết (trừ trường hợp nặng).
Hơn nữa, trẻ em có cơ thể thấp nên khi bị chó cắn thường sẽ bị ở đầu, mặt, cổ nhiều hơn là người lớn, đó cũng là nguyên nhân khiến virus dại di chuyển nhanh hơn lên hệ thần kinh trung ương và gây bệnh nhanh.
Ngoài ra, trước lo ngại vắc-xin phòng bệnh dại có tác dụng phụ, ảnh hưởng hệ thần kinh, gây mất trí nhớ, bác sỹ Hải cho biết vắc-xin thế hệ cũ tồn tại vấn đề này.
Tuy nhiên, hiện nay vắc-xin phòng dại đã được sản xuất bởi công nghệ hiện đại, không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người dùng.
Vắc-xin dại thế hệ mới dùng kỹ thuật ly tâm phân đoạn, đảm bảo tạp chất ở mức thấp và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (thấp hơn 10 nanogram mỗi liều).
Một số loại vắc-xin không sử dụng chất bảo quản thimerosal (thủy ngân), do đó vắc-xin dại thế hệ mới cũng giảm tối đa các tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt… so với vắc-xin thế hệ cũ đã ngừng sử dụng.
Cảnh báo trẻ hóa ung thư thận
Chán ăn, nôn sau ăn và sút gần 4 kg, cô gái cho rằng mình viêm dạ dày. Đến khi nôn quá nhiều, gia đình phải đưa đi cấp cứu, bệnh nhân được phát hiện có khối u thận hơn 1 kg.
Cô gái 23 tuổi đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai với triệu chứng nôn nhiều, chán ăn, thể trạng gầy gò, sút cân. Tại đây, bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả chụp CT bụng cho thấy có khối u thận phải kích thước 16 cm, nghĩ tới RCC (ung thư biểu mô tế bào thận).
Khối u khổng lồ đã có chồi u xâm lấn vào tĩnh mạch chủ dưới. Đáng lo ngại hơn, đây là khối u ác tính, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ di căn sang các cơ quan khác, nguy cơ tử vong sớm.
Đứng trước ca bệnh là cô gái mới 23 tuổi, còn tương lai và nhiều dự định phía trước, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, đã hội chẩn toàn viện.
Sau khi xem xét các chỉ số, tập thể chuyên gia đầu ngành của bệnh viện cùng thống nhất chẩn đoán trước mổ của bệnh nhân là u thận phải theo dõi RCC, viêm dạ dày với phần chồi u lan vào tĩnh mạch chủ độ III.
Bệnh nhân cần được phẫu thuật cắt thận triệt căn. Tuy nhiên, để đủ sức khỏe đối diện với cuộc đại phẫu, trước mắt, cần nâng cao thể trạng cho người bệnh.
Để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật, TS.Tuấn thiết lập phác đồ điều trị gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tập trung vào việc chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, cải thiện chức năng của gan, thận, tim, phổi…
Sau 2 tuần, bệnh nhân đã lên được 2 kg. Tiếp theo, các bác sĩ tiến hành nút động mạch thận phải ngay trước ngày phẫu thuật nhằm giảm bớt phần nào kích thước khối u để cuộc can thiệp được dễ dàng hơn.
Giai đoạn 2 là mổ cắt triệt căn thận phải để loại bỏ hoàn toàn khối u. Cuộc đại phẫu sẽ là một “trận đánh lớn”, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa nhằm đảm bảo kết quả an toàn cho người bệnh.
Ngày 5/6, ca đại phẫu cho cô gái trẻ đã kéo dài gần 4 giờ. Ê-kíp phẫu thuật đa chuyên khoa đã khéo léo bóc tách trọn vẹn khối u khổng lồ và loại bỏ hoàn toàn phần chồi u xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới.
Thành công của ca mổ đã giúp người bệnh thoát khỏi cửa tử một cách ngoạn mục. Sau 3 tháng phẫu thuật, bệnh nhân đến tái khám. Kết quả, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định.
Sau gần 4 tháng điều trị, bệnh nhân 23 tuổi đáp ứng tốt với phác đồ điều trị của các bác sĩ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu.
Cô tiếp tục được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch theo chu kỳ 21 ngày/đợt. Đến nay, bệnh nhân không có tác dụng phụ gì đặc biệt, dung nạp thuốc tốt và có thể đi làm việc lại.
Với bệnh thận, ngoài tình trạng trẻ hóa ung thư thận theo các chuyên gia, tỷ lệ bệnh nhân suy thận mạn cũng ngày càng tăng. Theo PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Giám đốc Trung tâm thận – tiết niệu – lọc máu của Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận.
Vị chuyên gia này cho rằng, triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể.
Khi xuất hiện những biểu hiện rõ ràng, bệnh nhân hầu hết đều đã ở giai đoạn cuối phải chỉ định lọc máu chu kỳ. Nếu không được chạy thận nhân tạo, suy thận sẽ gây ra các biến chứng có thể khiến tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo yếu tố di truyền, hay các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn… nếu không được quan tâm, điều trị sẽ dẫn tới suy thận mạn.
Ngoài ra, với cuộc sống đô thị hiện đại, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, cùng lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn.
Với người có bệnh lý nền, cần được thăm khám, điều trị ổn định. Mọi người cũng cần đi kiểm tra định kỳ để tầm soát bệnh này, phát hiện sớm sẽ giúp có biện pháp dự phòng và điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn tính.
Còn theo bác sỹ Tuyên, chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian vào chạy thận, đồng thời giúp hạn chế biến chứng của bệnh thận mạn hay đợt cấp suy thận mạn.
“Khác với suy thận cấp có khả năng hồi phục hoàn toàn thì suy thận mạn không thể chữa khỏi được. Nếu phát hiện sớm và điều trị bảo tồn sẽ giúp làm chậm tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian đến giai đoạn phải điều trị thay thế thận, do thận bị mất chức năng quá nặng”, bác sỹ Tuyên nói.