Do nắng hạn kéo dài, hiện nay trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam chỉ có hồ Đu Đủ và hồ Tân Lập còn tưới một phiên cuối thanh long và dự kiến kết thúc phiên cuối vào ngày 4/5/2024. Riêng các công trình còn lại đã hết nước hoặc đã ngưng cấp nước tưới để dành cho nước sinh hoạt. Vì vậy, hàng ngàn ha thanh long của nông dân địa phương đang thiếu nước tưới, “cầm cự” đợi mưa.
Cây trồng “héo rũ” chờ nước
Giữa trưa nắng gắt, nhưng một số nông dân có vườn thanh long ở thôn Tà Mon, xã Tân Lập vẫn đi lại giữa lòng hồ Tà Mon đang trơ đáy, nhìn xuống từng vũng nước ít ỏi còn sót lại, thẫn người. Xung quanh hồ, chi chít những chiếc can nhựa, ống bơm kéo dài từ lòng hồ ngược lên phía bờ, sẵn sàng hút sạch những giọt nước cuối cùng khi có thể. Với họ, dường như đã quen với sự lặp đi lặp lại của hạn hán, thiếu nước vào mỗi mùa khô ở vùng này, nhưng không ngờ năm nay hạn lại khốc liệt đến thế.
Gia đình ông Lâm Hồng Điệp, xã Tân Lập có 5.000 trụ thanh long gần khu vực hồ Tà Mon chia sẻ: “Do không có nước tưới từ nguồn nước thủy lợi, nên chúng tôi đã sử dụng lượng nước ít ỏi từ giếng khoan và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, ủ rơm gốc thanh long để duy trì sự sống cho cây trồng. Nhưng hạn khốc liệt nên cũng chỉ cầm cự được khoảng 10 ngày nữa, nếu vẫn không có nước thì sợ không cứu được cây đang dần héo rũ”. Đó cũng là thực tế chung của rất nhiều hộ dân bị thiếu nước sản xuất tại Hàm Thuận Nam nói riêng và toàn tỉnh nói chung, nhất là các hộ trồng thanh long đang trong thời điểm chong đèn trái vụ, dù được giá nhưng không có sản lượng dẫn đến mất thu nhập…
Nêu thực tế về nguồn nước hiện tại, ông Nguyễn Hữu Huệ – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Địa bàn Hàm Thuận Nam có 8 hồ chứa và 13 đập dâng lớn nhỏ. Tổng dung tích hữu ích hồ chứa chưa đến 46 triệu m3 phục vụ cấp nước tưới cho 6.850 ha đất canh tác sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa 380 ha và thanh long 6.470 ha (diện tích thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam khoảng 13.000 ha). Tính đến ngày 8/4, lượng nước hữu ích các hồ chứa trên địa bàn huyện còn lại khoảng 11,1 triệu m3/45,8 triệu m3 đạt 24,3% thiết kế, thấp hơn khoảng 6,2 triệu m3 so cùng kỳ. Do đó, nguồn nước thủy lợi hiện chỉ đáp ứng được khoảng 50% diện tích cây trồng hiện có của địa phương. Đáng chú ý, khó khăn hiện nay là địa phương đang thiếu “kho” nước để tích trữ. Một số hồ chứa như Ba Bàu, Tà Mon bị bồi lắng nhiều không bảo đảm dung tích theo thiết kế, làm giảm năng lực cấp nước của công trình…
Điều tiết nước phù hợp
Trước diễn biến phức tạp của hạn hán đang xảy ra, trong ngày 9/4, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng và một số sở ngành, đã có chuyến kiểm tra việc chống hạn tại Hàm Thuận Nam. Tại đây, lãnh đạo tỉnh đã gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ những thiệt hại với một số nông dân bị thiếu nước sản xuất gần khu vực hồ Tà Mon.
Lãnh đạo tỉnh cho rằng, hạn hán diễn ra đang là tình trạng chung trên địa bàn tỉnh, trong đó Hàm Thuận Nam là địa bàn xảy ra nặng nhất. Do đó, mong bà con cố gắng cầm cự để vượt qua khó khăn, tiếp tục sử dụng các biện pháp tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt, đào ao, khoan giếng trong thời gian chờ mưa. Đồng thời đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Nam và các đơn vị liên quan sắp xếp ưu tiên theo thứ tự là nước sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất. Về các kiến nghị, đề xuất về việc nạo vét hồ chứa, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan bàn bạc, có thể thực hiện thí điểm. Mặt khác, rà soát lại nhu cầu nước của các địa bàn trong huyện để phân phối hợp lý nguồn nước còn lại.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, hiện tại nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn duy trì được nhu cầu tối thiểu của cây trồng, nhất là cây thanh long. Riêng nguồn nước cấp cho các nhà máy nước sinh hoạt, địa phương đã cân đối đảm bảo đủ nước sinh hoạt đến ngày 30/6. Ngoài khu vực thôn Lò To và thôn 1, xã Hàm Cần có khó khăn về nước sinh hoạt, trên địa bàn huyện chưa có khu vực nào thiếu nước sinh hoạt đến mức phải hỗ trợ. Mặt khác, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã xác định cụ thể vùng bảo đảm tưới, vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để điều chỉnh kế hoạch sản xuất và bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp. Bên cạnh, tổ chức phát động phong trào làm thủy lợi nhỏ, nạo vét kênh mương, đào ao hồ tích trữ nước để phục vụ tưới cho cây trồng nhằm ứng phó với sự thiếu hụt nguồn nước tưới trầm trọng đang diễn ra…