Ngày 8/4, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn, đào tạo tiểu giáo viên TOT “Mở rộng ứng dụng phần mềm chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến thanh long”. Tham dự lớp tập huấn có 30 học viên là thành viên tổ tư vấn phát triển thanh long bền vững; các hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp và các tổ khuyến nông cộng đồng các xã trong tỉnh (trừ Phú Quý).
Tại buổi tập huấn, các học viên được giới thiệu tổng quan về phần mềm (app) truy xuất nguồn gốc; một số kết quả từ ứng dụng chuyển đổi số chuỗi thanh long xanh; ứng dụng phần mềm “nông nghiệp số Bình Thuận”.
Ngoài ra, giảng viên chia sẻ các phương pháp xác định dấu vết các bon; các bước thực hiện việc xác định ranh giới hệ thống và các hoạt động trong chuỗi sản xuất; nhập số liệu và xử lý số liệu; tính phát thải nhà kính trong các hoạt động sản xuất…Qua đó, giúp học viên hiểu rõ về chuyển đổi số, nắm bắt chủ trương của nhà nước và định hướng của ngành nông nghiệp về chuyển đổi số. Song song, nâng cao kiến thức đối với cán bộ, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân ứng dụng được vào sản xuất, tăng thêm thu nhập cho gia đình, xã hội…
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, với sự hỗ trợ của Chương trình UNDP, trong 2 năm (2022 – 2023), trung tâm đã phát triển phần mềm nhật ký sản xuất và theo dõi dấu chân carbon cho sản phẩm thanh long.
Đến nay đã triển khai phần mềm thí điểm tại 4 hợp tác xã trong tỉnh, với gần 4.500 người hưởng lợi dựa vào sản xuất kinh doanh thanh long phát triển sản xuất theo hướng xanh;100% hộ thành viên đã sử dụng đèn Led 9W của Dự án hỗ trợ để xử lý ra hoa trái vụ và đều đạt, tiết kiệm được hơn 55 – 78% điện năng tiêu thụ… Qua đó, giúp nông dân dần thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu, nhận thức về sản xuất thanh long nâng cao hơn.
Được biết, các nội dung tập huấn trên sẽ được Trung tâm Khuyến nông tổ chức thêm 2 lớp đào tạo TOT vào ngày 10 và 12/4.