Hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất và đời sống không những thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)…
Trong 10 năm qua (từ 2012 – 2023), nhiều dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng DTTS đã triển khai trên địa bàn Bình Thuận. Cụ thể đến nay có 10 dự án được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức, hiện đã xúc tiến “Xây dựng mô hình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và trồng thâm canh chuối già lùn tại tỉnh Bình Thuận”. Dự án bao gồm 9 quy trình công nghệ, đào tạo 6 kỹ thuật viên, sản xuất gần 18.000 cây chuối già lùn hướng đến xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình trồng, thâm canh chuối già lùn (bằng giống chuối cấy mô) với tổng diện tích 5 ha cho đồng bào dân tộc thuộc xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc.
Ở một số địa bàn khô hạn thì triển khai các dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Bắc Bình và Tuy Phong”; “Ứng dụng công nghệ thu trữ nước mưa, xây dựng mô hình nông lâm nghiệp kết hợp thủy lợi tại vùng đất cát khô hạn ven biển Bình Thuận” tại 3 huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc. Qua đó tiến hành đào tạo kỹ thuật viên, hỗ trợ người dân nơi đây áp dụng có hiệu quả quy trình công nghệ được chuyển giao vào sản xuất nông nghiệp để góp phần cải thiện thu nhập… Hay như dự án “Xây dựng mô hình xử lý nước nhiễm phèn phục vụ sinh hoạt cho các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn nước ở các địa phương trong tỉnh” đã triển khai 400 mô hình xử lý nước nhiễm phèn cho 400 hộ dân thuộc địa bàn Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tuy Phong.
Thời gian qua, sở chức năng của tỉnh còn triển khai dự án “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cây điều bền vững tại tỉnh Bình Thuận” nhằm chuyển giao quy trình thâm canh tổng hợp cây điều. Đây là mô hình trồng mới và thâm canh, cải tạo vườn điều năng suất thấp tại xã Trà Tân (Đức Linh), xã La Ngâu (Tánh Linh), xã Sơn Mỹ (Hàm Tân) góp phần tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó đã phối hợp thực hiện một số dự án được kỳ vọng về hiệu quả kinh tế như “Xây dựng mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo và mô hình trồng nấm rơm trong nhà cho các hộ dân thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Thuận”. Hoặc triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh gout từ loài địa y Roccella Montagnei trên địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận” hướng tới xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu địa y đặc hữu. Thông qua đó cung cấp nguồn dược liệu, liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa nhằm tăng thu nhập cho người dân huyện Tuy Phong và duy trì bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Mới đây trong quý IV/2023, dự án “Xây dựng mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai hướng thịt tại tỉnh Bình Thuận” giúp người dân vùng nông thôn, miền núi tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật để phát triển nghề chăn nuôi dê cũng được nghiệm thu. Kết quả đã xây dựng một mô hình nuôi dê tập trung với quy mô 90 dê cái (giống Bách Thảo) – 10 dê đực (giống Boer) tại đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ cùng mô hình nuôi phân tán dê lai tại 20 hộ dân trên địa bàn 2 huyện Tuy Phong, Bắc Bình. Nhờ đó cải thiện chất lượng đàn dê địa phương vốn chủ yếu bao gồm dê Cỏ và dê Bách Thảo với hạn chế là tầm vóc nhỏ, sản lượng thịt thấp hơn một số giống dê lai…
Hỗ trợ người dân thông qua ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ là rất cần thiết, qua đó không những thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS. Do vậy thời gian tới, hoạt động này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh bằng việc tham mưu, đề xuất đặt hàng các dự án phù hợp điều kiện nông thôn, miền núi và vùng DTTS để triển khai đem lại hiệu quả thiết thực nhất.