Tuy Phong những ngày hè luôn khoát lên mình cái nắng đỏ trời như thiêu đốt vạn vật. Những cơn gió hầm hập thổi qua những đồng xanh lúa mênh mông không xoa dịu hết cái khắc nghiệt của nơi này. Ghé vào vườn nho ven đường trú nắng, thật ngạc nhiên làm sao khi biết rằng: Tuy Phong đang vào mùa nho trái vụ.
Mùa nho chính vụ ở Tuy Phong thường vào tháng chạp, tháng giêng và tháng 2 nên đến mùa này người ta thường gọi là mùa nho trái vụ. Nhớ lại cách đây chừng hơn 1 tháng tôi có dịp ghé vào 1 vườn nho của bà con ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, bấy giờ nho mới bắt đầu nhú trái xanh, những trái nho bé xíu xiu lẫn với màu xanh của lá. Giàn nho lúc lỉu trái bé bé xinh xinh đẹp mắt. Mấy cô nông dân đang tỉa trái trong vườn bảo: “Hơn tháng nữa về đây, lúc nho đã chín thì tha hồ chụp ảnh, quay phim. Đẹp lắm!” Thời gian làm tôi quên đi lời dặn nhưng bây giờ lại vô tình gặp được vườn nho đang vào mùa thu hoạch.
Ông Nguyễn Minh Diệp ở xã Phước Thể là chủ vườn nho rất hiếu khách. Ông là người trồng nho được xem là hiệu quả nhất vùng này. Chỉ với hơn 3 sào đất trồng khoảng 800 gốc nhưng vụ nào ông cũng thu hoạch với lợi nhuận hơn trăm triệu đồng. Vào vườn nho duyên dáng với những chùm nho chín mọng và ngắt một vài chùm về để thưởng thức vị nho tuyệt vời. Thật thích thú làm sao khi bao quanh tôi là những chùm nho trĩu trái với màu tím, xanh đỏ, bất tận và 1 cảm giác thật ngọt ngào và thú vị làm sao.
Chẳng biết từ khi nào mà cây nho có mặt trên vùng đất Tuy Phong. Ban đầu thì rất nhiều những vườn nho được bà con nông dân trồng trải khắp các địa phương như Phước Thể, Phú Lạc, Phong Phú, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân xanh tốt. Thế nhưng trong những năm trở lại đây, thời tiết thất thường, bệnh trên cây và sâu hại và cây nho đã không còn là sự lựa chọn tối ưu.
Trồng nho ăn trái nghịch vụ rất gian nan, vất vả vì thời tiết mưa nắng thất thường. Khi nho chuẩn bị chín nhưng gặp thời tiết mưa dầm thì xem như thất bại và không mong gì được thu hoạch. Sự thất bại của vườn nho cũng khác với những loại cây trái khác, vì đó là sự thất bại hoàn toàn. Người trồng nho cũng trông chờ nhiều vào sự may mắn từ thời tiết nên mùa nho nghịch vụ luôn làm say mê lòng người là vậy. Người trồng nho luôn sống trong 8 chữ thôi nhưng nó dài thật dài. Đó là: Bình an, chờ đợi, thời gian và nôn nao. Thật vậy, từ ngày trồng đến mùa nho chín là một hành trình dài. Dài ngày tháng bằng khoảng đo mặt trời lên xuống. Dài ngày tháng bằng nỗi mong đến mùa hái trái. Dài ngày tháng bằng nỗi sợ có thể bị mất mùa. Thời gian trong tâm hồn của người trồng nho ngột ngạt. Nếu biết chắc chắn mùa tới, nho sẽ chín, trái sẽ ngọt thì cái dài của ngày tháng chỉ là chờ đợi niềm vui. Nhưng phân vân không biết rồi mùa sẽ thế nào, sẽ ra sao là một khắc khoải lớn lắm. Cứ nhìn tay người làm vườn mà định giá nỗi thao thức và khát khao trong tim họ. Không người làm vườn nào mà có bàn tay trắng trẻo, bóng bẩy, họ không ngại mưa nắng sớm hôm, họ không sợ xước tay vì gai cào, vì đá sỏi, họ chỉ mong được mùa. Cái mong đợi bao đời của người làm vườn là vậy, cứ đơn giản nhưng lại là 1 quá trình dài. Trong họ luôn khắc khoải giữa cái được và cái mất, tồn tại hoặc xóa bỏ đi. Cũng vì thế mà diện tích nho của cả huyện Tuy Phong nay chỉ còn không hơn 10 ha. Cái đặc sản của vùng nắng gió đã mất dần đi như thế.
Những vườn nho ở Tuy Phong cũng đang vào mùa thu hoạch. Những người mua buôn bán nho luôn bận rộn với công việc cắt tỉa trái nho. Bàn tay họ cứ thoăn thoắt và rất tập trung vào công việc. Nhìn từng chùm nho chín mọng, được cắt tỉa gọn gàng làm tôi cũng phải thèm thuồng.
Đang ở nơi náo nhiệt ồn ào của phố thị đầy những bon chen, vội vã, nhưng khi đến với vườn nho đang mùa trĩu trái ngọt ngào, hít thở không khí trong lành và ngắm cánh đồng nho trong sáng sớm thật tuyệt diệu và sảng khoái. Tôi đưa mắt nhìn quanh ruộng nho để thưởng ngoạn vẻ đẹp của nó trong buổi sáng mùa hè để trở về. Những chùm nho vẫn khoe sắc chín với những trái chín thơm ngon ngọt ngào và nghe được cả những niềm bâng khuâng, khắc khoải của người trồng nho.