Bình Thuận được biết đến là tỉnh có tiềm năng về năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất nước, số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió và bức xạ mặt trời cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời.
Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngành công thương cho biết 47 nhà máy điện đã mọc lên trên các vùng đất hoang hóa, Bình Thuận đang “rộng bước” trên con đường mới thành trung tâm năng lượng quốc gia. Xác định phát triển nguồn năng lượng tái tạo trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, từ năm 2010, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2012. Đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 2.500MW với sản lượng điện gió tương ứng là 5,4 tỷ kWh/năm. Chính vì thế tỉnh đã xây dựng quy hoạch điện mặt trời giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu phát triển điện mặt trời đến năm 2030 của tỉnh với tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 6.199 MWp, sản lượng điện tương ứng khoảng 9,7 tỷ kWh/năm. Năm 2012, Nhà máy phong điện I tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong được khánh thành. Đây là dự án năng lượng tái tạo, dự án phong điện đầu tiên tại Việt Nam có công suất lớn, được kết nối vào lưới điện quốc gia. Hàng năm cung cấp khoảng 85 triệu kWh điện và giảm phát thải 58.000 tấn CO2/năm. Nhà máy do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư xây dựng với tổng vốn khoảng 2.000 tỷ đồng. Sau khi Nhà máy phong điện này đi vào hoạt động, năng lượng tái tạo đã trở thành lĩnh vực thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Bình Thuận, nhất là tại các khu vực nhiều gió và nắng có bức xạ nhiệt cao phía Bắc tỉnh như huyện Bắc Bình, Tuy Phong… Có thể nói, các dự án năng lượng tái tạo từ điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, phát điện thương mại trong thời gian qua đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh Bình Thuận và đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hướng tới tiềm năng năng lượng tái tạo
Để phát triển tiềm năng điện gió, từ năm 2010 tỉnh Bình Thuận đã xây dựng quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2012. Định hướng đến năm 2030 dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 2.500MW với sản lượng điện gió tương ứng là 5.475 triệu kWh. Theo đó, năm 2016 Bình Thuận đã đầu tư và đẩy mạnh những dự án năng lượng để phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng quốc gia và hoàn thành những dự án mới như: Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, các nhà máy điện mặt trời và nhà máy điện gió. Vấn đề năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời tại Bình Thuận đang có sức hút lớn với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhận thức và xác định tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Bình Thuận đã lập quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xác định các khu vực tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên của tỉnh, phát triển ngành công nghiệp địa phương và góp phần cùng cả nước vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn báo cáo, đề xuất Bộ Công Thương xem xét đưa vào dự thảo phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên tất cả các dự án, công trình, nguồn lưới điện trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất khoảng 25.200 MW để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ưu tiên phê duyệt danh mục phát triển các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia, nhất là điện gió ngoài khơi. Định hướng phát triển đối với ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh sẽ đóng góp tích cực đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Bình Thuận và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư với tổng công suất khoảng 6.800MWp và tổng vốn đầu tư gần 180.000 tỷ đồng; có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.520MW, gồm 4 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, 7 nhà máy thủy điện, 10 nhà máy điện gió, 26 nhà máy điện mặt trời, 1 nhà máy điện diesel trên huyện đảo Phú Quý… Sản lượng điện thiết kế của 48 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh vào khoảng 31,6 tỷ kWh/năm.