Dải đất duyên hải cực Nam Trung bộ là đất học – hội tụ văn hóa. Nơi đây, đầu thế kỷ XX có Trường Dục Thanh tại Phan Thiết nổi tiếng. Trên đường đi tìm đường cứu nước, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã dừng lại ngôi Trường Dục Thanh dạy học, truyền bá tinh thần yêu nước cho các thanh thiếu niên.
Ngày nay, Dục Thanh là một trong chi nhánh – truyền thống lịch sử cách mạng – thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bình Thuận là vùng đất du lịch, nơi kết nối và giao thoa văn hóa dân tộc các vùng miền. Sự học – đặc biệt là TỰ HỌC – để nâng cao tri thức thật cần thiết, như không khí để thở, như cơm ăn nước uống hàng ngày vậy.
Học giả Nguyễn Hiến Lê là tấm gương tự học từng nói: “Lười học, lười đọc sách là tự biến mình thành kẻ dốt nát đáng chê”. Chuyện tự học để thành người tài, có không ít gương sáng. Bác Hồ là gương sáng tự học siêu Việt, Người thông thái nhiều ngoại ngữ, hiền tài chói sáng. Nguyễn Hiến Lê, Phan Khôi… cũng là những tấm gương điển hình, họ trở thành nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ, nhà lý luận, dịch giả, học giả nổi tiếng.
Út Mũi Né về Quảng Nam biết được nhiều gương soi tự học, trong đó có câu chuyện hy hữu Phan Khôi “Cầu hôn bằng tiếng Pháp”. Làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, họ Phan là 1 trong 3 họ lớn. Họ Phan làng Bảo An có đến 5 phái, Phan Khôi và Phan Thanh thuộc phái nhì, đời thứ 13 có chung ông nội là quan Án sát Phan Khắc Nhu, hai người là anh em họ. Phan Khôi con ông bác, Phan Thanh con ông chú, Phan Khôi lớn hơn Phan Thanh 41 tuổi.
Phan Thanh và cô Lê Thị Xuyến làng bên yêu thầm trộm nhớ, nhưng gia đình bên cô Xuyến – cũng là nhà danh giá – chưa thuận vun vén cho tình yêu hai người. Một lần ông anh họ Phan Khôi làm nghề viết văn, viết báo ở Sài Gòn về làng Bảo An thăm nhà, biết chuyện thì lấy làm bức xúc đã xung phong qua làng bên gặp cụ Cửu gái thuyết khách cầu hôn cho chú em bằng ngôn ngữ Pháp.
Nhà gái nể phục về sự thông minh, sắc sảo mà khiêm nhường của Phan Khôi. Phan Khôi xin phép phụ huynh được trực diện với cô Lê Thị Xuyến, họ nói với nhau bằng tiếng Pháp. Cô Xuyến xinh đẹp vốn đã bằng lòng với chàng trai Phan Thanh từ trước, nên ưng thuận, nhà gái không thể chối từ. Họ nên vợ nên chồng sau cuộc thuyết khách cầu hôn bằng tiếng Pháp của Phan Khôi. Học giỏi nhưng đi thi – khóa thi Hương năm Bính Ngọ – 1906 chỉ đỗ vớt tú tài. Phan Khôi khóc tức tưởi khinh mạn quan chấm thi ăn hối lộ mà tức cảnh vẽ lên tường: Một bầy ngu dại dốt như trâu/ Để tang cho tớ dễ nào đâu/ Thà chịu dân ngu đen dưới đít/ Còn hơn quan chức trắng trên đầu.
Phan Khôi cùng nhiều bạn hữu học giỏi – danh sách kéo dài đến Phan Thiết, Phan Rang – Nha Trang, đều là các trò của danh sĩ Trần Quý Cáp. Phan Khôi chán ghét nạn thi cử không công tâm đã không đến trường học tập để thi tiếp, thay vào đó là TỰ HỌC – rằng thi cử mà sao chán mớ đời (!). Tiếng Pháp mà Phan Khôi thông thạo để cầu hôn cho chú em họ là do tự học. Phan Khôi còn tự học chữ Hán, dịch Kinh Thánh; sáng tạo tinh thần Tây học gọi là Luận lý học, nay gọi là Logic học. Ông đi tiên phong ứng dụng Logic học khi viết tiếng Việt, làm đẹp ngôn ngữ nước nhà.
Phan Khôi là một trong những dịch giả ngôn ngữ Tây phương nhuần nhuyễn. Phan Khôi, Phan Thanh và Lê Thị Xuyến đều là những người con xứ Quảng nêu gương TỰ HỌC, nghĩa khí, yêu nước, đi theo tiếng gọi của Bác Hồ lên chiến khu Việt Bắc kháng chiến 9 năm. Phan Khôi tham gia phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng; hoạt động trong phong trào yêu nước Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh vùng duyên hải Nam Trung bộ. Chỉ tiếc thời kỳ Nhân văn Giai phẩm (1956 – 1958), Phan Khôi và một số người bị oan, sau này được minh oan. Bà Lê Thị Xuyến là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Năm 2024 – Ngành Giáo dục – Đào tạo Bình Thuận, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Thuận, Đại học Phan Thiết… khuyến đọc, gia tăng văn hóa đọc trong giới trẻ, khích lệ tinh thần cộng đồng TỰ HỌC. Thân thế và sự nghiệp của học giả Phan Khôi (và nhiều người khác) khích lệ tinh thần TỰ HỌC!