Gần đây, du lịch canh nông, du lịch sinh thái trở thành xu hướng mới thu hút nhiều người đến tham quan, trải nghiệm. Loại hình này ở Bình Thuận đang có nhiều tiềm năng bởi gắn với các cây trồng đặc trưng như nho, táo, thanh long, hoa màu, sầu riêng. Do đó, hiện nay nhiều nông dân đã bắt đầu khai thác được lợi thế này, tận dụng vườn cây ăn trái của gia đình để làm du lịch nông nghiệp, góp phần tăng thêm giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Sản xuất sạch
Trong chuyến công tác về vùng cao La Dạ, 1 trong 4 xã là vùng trồng sầu riêng tập trung của huyện Hàm Thuận Bắc, chúng tôi được tham quan vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Trung – thôn 3. Vườn rộng hơn 2 ha với 450 cây đã hơn 7 năm tuổi và 2 ha cây đã 4 tuổi phủ xanh cả khu vườn đang trong giai đoạn dưỡng cây. Vườn của ông Trung là một trong ít vườn trồng theo hướng hữu cơ ở địa phương với hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, được trang bị khá bài bản.
Vườn của ông thu hoạch đợt đầu tiên vào tháng 7 – 8/2024, nhưng lúc ấy sản lượng không như ý muốn do thời tiết nắng nóng những tháng đầu năm, thiếu nguồn nước tưới, gây khô hạn diện rộng đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất thu hoạch. Do đó, để chuẩn bị cho lứa thu hoạch tiếp theo vào năm tới, ông Trung chăm sóc vườn khá kỹ. Là hộ trồng sầu riêng sau các hộ khác ở địa phương, nhưng ông Trung luôn định hướng mình phải sản xuất sạch, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học để chăm sóc sầu riêng đảm bảo chất lượng và hạn chế sâu bệnh hại. Ông Trung cho biết: “Để sầu riêng phát triển bền vững, được các đơn vị bao tiêu với giá ổn định, giữ uy tín người trồng phải chú trọng tới nâng cao chất lượng, tuân thủ các quy trình chăm sóc, là mục tiêu dài hạn của gia đình tôi nói riêng và nông dân địa phương nói chung, kể cả sầu riêng xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước”.
Tuy nhiên, trên thực tế một bộ phận người dân còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ít quan tâm đến sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học dẫn đến mẫu mã và chất lượng sầu riêng không đạt yêu cầu xuất khẩu. Do đó, chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ cho các thương lái tiêu thụ nội địa (chiếm tỷ lệ 70%) và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc (khoảng 30%).
Sẽ làm du lịch sinh thái
Đến tham quan vườn sầu riêng của ông Trung còn có đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, phòng ban chuyên môn liên quan, để tập huấn kỹ thuật, chia sẻ những kinh nghiệm cũng như trình diễn máy bay không người lái trên vườn sầu riêng. Vườn đang trong giai đoạn dưỡng cây nên ông Trung, các doanh nghiệp và các chuyên gia đã chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm của mình đến với bà con trong vùng để sầu riêng đạt sản lượng tốt trong mùa vụ tiếp theo.
“Mỗi giai đoạn sinh trưởng của sầu riêng đều có phương pháp chăm sóc, bón phân khác nhau. Đặc biệt, phải hiểu được sinh lý phát triển của cây, biết cách giữ trái trên cành khi gặp mưa lớn đột ngột hoặc nắng nóng quá, phải có phương pháp xử lý kịp thời khi cây bị “sốc nhiệt”, cũng như cách chủ động cung cấp thức ăn cho cây để trái tròn, đẹp. Với giá sầu riêng trung bình từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, 1 ha thu hoạch khoảng 20 – 25 tấn là nông dân đã có lời”, ông Trung chia sẻ thêm. Việc doanh nghiệp đến từng vườn, bắt tay với nông dân để tìm hiểu thực hiện mô hình trồng và chăm sóc sầu riêng theo hướng hữu cơ là một tín hiệu tích cực đối với việc sản xuất nông nghiệp theo hướng nông sản sạch, bền vững.
Được biết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã áp dụng mô hình “Thâm canh sầu riêng đạt chuẩn VietGAP theo liên kết chuỗi” với quy mô 40 ha tại HTX SXKD-DVNN Đa Mi; với quy trình sản xuất hướng hữu cơ, sinh học, sử dụng nhật ký sản xuất điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, trung tâm muốn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP hướng an toàn theo liên kết chuỗi đến các vùng trồng khác của huyện Hàm Thuận Bắc, nhằm giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường từ 15 – 20%. Từ đó nhân rộng mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP hàng năm tại các vùng trọng điểm của tỉnh.
Đó cũng là mong muốn của ông Trung, sẽ từng bước đưa vườn sầu riêng của mình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để đầu ra bền vững. Đồng thời, trong tương lai gần, ông Trung có dự tính sẽ kết hợp làm du lịch sinh thái khi vườn sầu riêng vào mùa thu hoạch. Du khách có thể đến tham quan vườn sầu riêng, cà phê, thưởng thức sầu riêng tại chỗ, câu cá và kèm những dịch vụ vui chơi khác. Hiện ông Trung đang trong giai đoạn cải tạo khu vườn, làm cuốn chiếu để có thể đón khách vào mùa hè năm tới.
Việc sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái không chỉ góp phần làm phong phú thêm các loại hình du lịch, mà nông dân còn có cơ hội quảng bá thương hiệu sầu riêng của địa phương. Từ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu mà ngành nông nghiệp đang hướng tới là chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/la-da-trong-sau-rieng-huu-co-ket-hop-du-lich-sinh-thai-126231.html