Nhằm hướng đến đa dạng hóa các ngành nghề, mở ra hướng mới để phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh tận dụng thời gian, lao động nhàn rỗi, lại không cần phụ thuộc vào thời vụ để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân…
Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN – Sở KH & CN Bình Thuận phối hợp cùng UBND thị xã La Gi xây dựng mô hình trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm. Hộ anh Nguyễn Tuấn Phương – thôn Hiệp Phú, xã Tân Tiến được chọn thực nghiệm mô hình.
Đầu tư diện tích trại trồng nấm 40 m2 cho 4.000 bịch phôi nấm, với tổng kinh phí gần 165 triệu đồng. Trong đó, anh Tuấn được ngân sách địa phương hỗ trợ 112 triệu đồng, gia đình đầu tư gần 53 triệu đồng. Thực tế trồng cho thấy bịch phôi cho ra nấm đạt tỷ lệ cao, khoảng 98%. Công việc trồng nấm linh chi diễn ra khá đơn giản. Ở giai đoạn ươm sợi người trồng không được tưới nước, hạn chế tối đa việc vận chuyển. Trong quá trình sợi nấm phát triển, nếu phát hiện túi bị nhiễm bệnh cần loại bỏ ngay, đồng thời tìm nguyên nhân khắc phục. Từ ngày thứ 15 – 20 thì tiến hành tháo nút bông cho nấm mọc lên, giai đoạn này người trồng cần làm đúng với yêu cầu kỹ thuật. Và khi quả thể nấm bắt đầu mọc, ngoài việc tạo độ ẩm không khí, người trồng có thể tưới phun sương nhẹ vào túi nấm mỗi ngày từ 5 – 7 lần. Chế độ chăm sóc như vậy được duy trì cho đến khi thu hoạch.
Một đợt trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm linh chi kéo dài từ 50 – 60 ngày. Tổng sản lượng gia đình anh Tuấn thu hoạch ước đạt 210 kg nấm tươi, tương đương 70 kg nấm khô. Kết thúc việc thu hoạch, người trồng còn có thể tận dụng nguồn mùn cưa thải từ bịch phôi nấm đã qua sử dụng để tiếp tục cho ra một số sản phẩm phụ là nấm rơm và phân hữu cơ. Với tổng lợi nhuận thu về khoảng trên 20 triệu đồng của sản phẩm chính là nấm linh chi và các sản phẩm phụ, trồng nấm linh chi có thể là một lựa chọn cho hướng đầu tư mới của người dân La Gi bởi nhiều ưu điểm mà mô hình mang đến.
Việc chọn sử dụng những sản phẩm sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe đang dần trở thành xu hướng hiện nay. Nắm bắt thực tế yêu cầu này, thị xã La Gi đang chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với những thay đổi của khí hậu, nhu cầu tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường bền vững…