BTO-Chiều ngày 9/1/2024, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tham dự có ông Phan Văn Đăng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện các sở ban ngành, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023 toàn tỉnh huy động vốn được 57.226 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2022. Tổng dư nợ đạt là 86.259 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2022. Vốn tín dụng được tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 77,13% tổng dư nợ, lĩnh vực ưu tiên và gắn với việc thực hiện các chính sách của ngành, địa phương, góp phần khai thác thế mạnh, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 47.047 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cuối năm 2022, chiếm 55% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 15.603,5 tỷ đồng, giảm 7,27% so với cuối năm 2022, chiếm 18,23% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu 708,6 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cuối năm 2022, chiếm 0,83% tổng dư nợ. Còn lại là dư nợ cho vay các chính sách của địa phương và những lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh.
Qua báo cáo của ngân hàng và ý kiến đóng góp của các ban ngành, ông Phan Văn Đăng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của ngành Ngân hàng trên địa bàn đã bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Theo đó đã chủ động triển khai kịp thời những chủ trương, chính sách, giải pháp tiền tệ góp phần thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.
Song song đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh, giữ vai trò kết nối chặt chẽ các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn. Nắm bắt diễn biến tình hình kinh tế – xã hội, dự báo phương hướng phát triển, kiến nghị, đề xuất các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế trên địa bàn. Tuyên truyền, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách đến các TCTD và người dân trên địa bàn. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, nắm bắt và tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, trong đó tập trung vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.
Ngoài ra, thực hiện công tác thanh tra, giám sát năm 2024 theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Triển khai cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Quản lý tốt hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, đồng thời có giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh hoạt động của hệ thống này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Chỉ thị số 06. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện tốt các kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, nhất là triển khai chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt theo Kế hoạch số 4102 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng, chống ngăn ngừa vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, các nhân theo cơ chế một cửa…