BTO-Đây là chủ đề của buổi tọa đàm do Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận tổ chức nhân dịp Lễ hội Katê của đồng bào Chăm, vào ngày 5/10.
Chương trình có sự tham dự của bà Thanh Thị Kỷ – Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo Bảo tàng tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bắc Bình, các nhà nghiên cứu văn hóa 2 tỉnh, UBND xã Phan Hiệp và các nghệ nhân làm gốm của làng nghề Bình Đức, xã Phan Hiệp (Bắc Bình).
Nghề gốm của người Chăm là di sản quý báu đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ ở vùng châu Á. Sự hiện diện của gốm sứ Chăm Bình Định – Vijaya tại rất nhiều địa điểm Khảo cố học khu vực là minh chứng cho sự phát triển và lan tỏa của gốm cổ Champa. Tuy nhiên, đến nay gốm Chăm chỉ còn tồn tại ở 2 làng: Làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) và làng gốm Bình Đức (Bình Thuận).
Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2022 đã khẳng định giá trị loại hình di sản văn hóa của người Chăm ở hai địa phương. Thực tế, trong những năm qua nghề gốm của người Chăm được chính quyền và cộng đồng quan tâm. Sự quan tâm đó thể hiện ở những việc như: Xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, công nhận nghệ nhân; cấp tỉnh cũng đã xây dựng các Đề án đầu tư kinh phí thực hiện việc bảo tồn và phát triển làng nghề gốm; từ năm 2005 – 2019, tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã ban hành 24 văn bản pháp lý hỗ trợ làng nghề, mở 14 lớp truyền dạy nghề cho 407 học viên… nhưng làng nghề gốm Chăm vẫn đang đứng trước nguy cơ và thử thách, khó khăn.
Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu hai địa phương, chính quyền địa phương và các nghệ nhân đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển làng nghề ở làng gốm Bàu Trúc và công tác phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống tại Ninh Thuận; khẳng định giá trị của gốm Chăm Bình Đức trong đời sống cộng đồng. Đồng thời thông tin thêm về dòng chảy gốm Chăm Bình Định phát hiện tại Bình Thuận có mối tương quan với gốm Chăm Bình Đức và đề xuất những giải pháp nâng cao hoạt động sản xuất gốm Chăm tại làng gốm Bình Đức…
Đánh giá tại buổi tọa đàm, ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho rằng: Buổi tọa đàm đã nhận được một số tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sưu tầm, lãnh đạo địa phương, ý kiến từ thực tế làm nghề của các nghệ nhân cho thấy rõ hơn thực trạng về nghề gồm hiện nay trong cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, cũng đề xuất những giải pháp hay đề nghị các cấp, các cơ quan và địa phương có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và định hướng cho nghề gốm Chăm phát triển trong thời gian tới liên quan đến công tác tuyên truyền, quy hoạch sản xuất, vùng nguyên liệu, đào tạo nâng cao tay nghề cho nghệ nhân và nguồn lao động, cải tiến mẫu mã, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công tác bảo vệ môi trường…
Bảo tàng tỉnh Bình Thuận và Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận rất mong các đồng chí lãnh đạo, nhà nghiên cứu, trí thức Chăm, doanh nghiệp và cộng đồng nghệ nhân tiếp tục đồng hành trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy làng nghề gốm truyền thống của người Chăm để gốm Chăm sớm bước qua giai đoạn bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa đại diện nhân loại, tiến tới phát triển ổn định.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/trao-doi-kinh-nghiem-cong-tac-bao-ton-va-phat-huy-lang-gom-truyen-thong-cham-124613.html