Trước khi bước sang năm mới 2025, Bình Thuận tiếp tục ghi nhận thêm 2 dự án đầu tư có tổng vốn 88 triệu USD và hơn 100 tỷ đồng đăng ký thực hiện tại các khu công nghiệp (KCN). Theo nhận định với định hướng phát triển cùng những yếu tố thuận lợi, tới đây địa phương cần tranh thủ cơ hội để “đón sóng” đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế cũng như đưa công nghiệp trở thành 1 trụ cột kinh tế vững chắc…
Chuẩn bị hạ tầng
Được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào thời điểm cuối năm, song đại diện chủ đầu tư các dự án đều thể hiện quyết tâm triển khai ngay để kịp hoàn thành đi vào sản xuất – kinh doanh chỉ trong một vài năm tới. Đáng chú ý, trong đó có dự án đăng ký thực hiện tại KCN Tân Đức – nơi hạ tầng kỹ thuật mới được thi công kể từ cuối tháng 5/2024. Thế nên, quyết định này không chỉ là kết quả của quá trình cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư, mà còn chứa đựng sự kỳ vọng thành công đối với dự án “đóng chân” trên mảnh đất Bình Thuận. Cam kết trách nhiệm đồng hành, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN Tân Đức cũng quyết tâm triển khai đúng tiến độ, khẩn trương bàn giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp…
Thời gian qua, khi điểm nghẽn về giao thông đối ngoại cơ bản đã khơi thông, Bình Thuận với vị trí cửa ngõ kết nối vùng duyên hải Nam Trung bộ với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Nam Tây nguyên càng tăng thêm sức hút. Do đó, các KCN phía Nam Bình Thuận được nhận định có nhiều lợi thế trong thu hút những dự án quy mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho kinh tế tỉnh nhà nói chung và công nghiệp nói riêng.
Trong các tháng qua, những chuyến kiểm tra thực tế tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN nơi đây của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đã cho thấy sự quan tâm, sâu sát đối với lĩnh vực công nghiệp hiện nay. Bởi bên cạnh KCN Tân Đức (300 ha) còn có KCN Sơn Mỹ 1 (1.070 ha) được khởi công cuối tháng 8/2022 và hiện thu hút 3 dự án: Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I, Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II, Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Cùng với đó, KCN Sơn Mỹ 2 (giai đoạn 1 có quy mô gần 470 ha) dự kiến đến quý II/2025 sẽ tổ chức khởi công sau khi được UBND tỉnh giao đất… Qua kiểm tra thực địa và nghe các bên liên quan báo cáo tình hình triển khai, lãnh đạo tỉnh đánh giá cao lợi thế phát triển công nghiệp phía Nam Bình Thuận, do đó cần tranh thủ cơ hội đẩy nhanh tiến độ đầu tư để hình thành các KCN càng sớm càng tốt.
“Đón sóng” đầu tư
Đến nay, các KCN Bình Thuận đã thu hút gần 90 dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực, trong đó có hàng chục dự án đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Đài Loan, Belize, Nhật Bản, Samoa, Trung Quốc… Đối với dự án đầu tư trong nước, tính riêng các nhà đầu tư của TP. Hồ Chí Minh đăng ký thực hiện hơn 20 dự án và dự báo tiếp tục tăng cao trong giai đoạn tới. Do vậy, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã gợi ý về việc Bình Thuận dành quỹ đất để sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận doanh nghiệp di dời trong quá trình thực hiện Đề án định hướng phát triển các khu chế xuất, KCN của thành phố.
Mới đây giữa Bình Thuận – Ninh Thuận cũng đề xuất một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh tương đồng để xem xét nghiên cứu, hợp tác phát triển trong thời gian đến. Khả thi nhất là về công nghiệp năng lượng tái tạo, hoặc thực hiện kết nối kết cấu hạ tầng kinh tế biển, liên kết không gian phát triển các KCN cảng biển, dịch vụ vận tải và logistics tạo sự cộng hưởng cũng như sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư… Có thể nói với định hướng phát triển cùng những yếu tố thuận lợi, Bình Thuận hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư mà trọng tâm là 3 lĩnh vực trụ cột: Công nghiệp – Du lịch – Nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại. Riêng lĩnh vực công nghiệp, địa phương chú trọng vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến – chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành làm nền tảng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Trong không khí đón chào Xuân mới Ất Tỵ 2025, câu chuyện về sức hút đầu tư của Bình Thuận từ khi có cảng nước sâu, tuyến đường bộ cao tốc và sắp tới là sân bay, đường sắt tốc độ cao đi qua… càng trở nên sôi nổi. Thêm niềm tin nữa là tại Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 được tổ chức trong năm qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cũng khẳng định Bình Thuận luôn mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án và phát triển thịnh vượng.
Hiện trên địa bàn Bình Thuận có 9 KCN với diện tích hơn 3.000 ha được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư. Còn theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được cấp thẩm quyền thống nhất xem xét đầu tư, mở rộng thêm các KCN tiềm năng với diện tích gần 5.000 ha và hình thành khu kinh tế ven biển phía Nam Bình Thuận có diện tích khoảng 27.000 ha…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/cong-nghiep-binh-thuan-tranh-thu-co-hoi-don-song-dau-tu-127526.html