đã tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 tại Hà Nội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại Hà Nội.
Các đồng chí: Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đinh Tiến Dũng – Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội; Trần Thanh Mẫn -Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các Ban Đảng Trung ương, một số bộ, ngành; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, lãnh đạo UBND, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, lãnh đạo các Ban HĐND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…
Các đại biểu dự Hội nghị
Theo báo cáo tổng kết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2023 HĐND các cấp đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, của từng địa phương. Công tác phối hợp, giữ mối liên hệ công tác giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương được tăng cường; chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung để tổ chức thành công các kỳ họp, trong đó có việc kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương như Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; tham gia các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và hoạt động giám sát, tái giám sát của địa phương; phối hợp tốt trong công tác tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân… đã tạo sự chủ động linh hoạt, khơi thông và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, tạo bước đột phá, góp phần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường…
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Chất lượng tổ chức một số kỳ họp đột xuất còn hạn chế, việc bố trí thời gian thẩm tra và thảo luận còn ít, tài liệu gửi chậm do vậy việc nghiên cứu tham gia vào nghị quyết kỳ họp gặp khó khăn, công tác giám sát trên một số lĩnh vực hoặc một số nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp hoặc ở một số địa phương thực hiện mô hình chính quyền đô thị, đặc biệt là chưa có biện pháp hữu hiệu thực hiện có kết quả cao các nội dung kiến nghị sau giám sát. Việc tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ở một số địa phương còn chậm. Công tác chỉ đạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động HĐND ở nhiều địa phương còn chậm, hiệu quả chưa cao…
Qua 18 ý kiến phát biểu tham luận tại Hội nghị, các tỉnh, thành phố tập trung vào các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, phát huy vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương như: Tăng số lượng đại biểu chuyên trách của các Ban HĐND; ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, trong đó quy định cụ thể chế tài đối với các cơ quan, đơn vị và cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của các Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân; quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác thi đua, khen thưởng đối với hệ thống các cơ quan dân cử, nhất là quy định, tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng, xếp loại mức độ thực hiện nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND theo từng năm và cả nhiệm kỳ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị: “HĐND các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát và tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đối với tổ chức và hoạt động của HĐND nhiều hơn nữa. Tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng của cơ quan dân cử địa phương theo quy định của pháp luật để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm 2024, trong đó, tập trung rà soát hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, đóng góp nhiều hơn nữa, sát sao hơn nữa trong việc xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là luật, nghị quyết liên quan đến địa phương. HĐND các địa phương căn cứ vào luật, nghị quyết đã được ban hành, có kế hoạch triển khai sâu sát các văn bản luật, nhất là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Tài nguyên nước, Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở… HĐND các địa phương rà soát những vướng mắc, tập trung tháo gỡ, đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công của nhiệm kỳ sau, quan tâm công tác thành lập địa giới hành chính mới và việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện. Tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động của HĐND, trong đó có kỳ họp của HĐND, ngoài HĐND cấp tỉnh cần quan tâm đến cấp huyện, chú trọng cấp xã, quan tâm về chất lượng đại biểu HĐND, tăng cường công tác dân nguyện ở địa phương, tích cực tham gia các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2026)… Đối với các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban Công tác đại biểu làm đầu mối tổng hợp để báo cáo UBTVQH xem xét, giải quyết.”.