BTO-Đó là một trong 3 ý kiến phát biểu với Quốc hội chiều ngày 28/6 của Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Nên bỏ những từ quy định mang tính định tính
Theo Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, phần lớn quy định tại Điều 4 dự thảo Luật kế thừa quy định Luật Khoáng sản hiện hành, đồng thời bổ sung hai nội dung mới tại khoản 4, khoản 8 Điều 4 dự thảo. Việc này cho thấy có sự chia sẻ, hỗ trợ về mặt kinh phí nguồn lực cho địa phương có mỏ khoáng sản và hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên đại biểu Thông nêu băn khoăn với cách quy định của hai nội dung này. Vì nội dung quy định của hai khoản này còn chung chung, dùng những cụm từ còn quy định định tính, ví dụ như cụm từ: “Nhà nước dành một phần
kinh phí…” tại khoản 4, vậy một phần kinh phí là bao nhiêu? Hay cụm từ quy định tại khoản 8 là: “Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và…”, vậy bảo đảm hài hòa lợi ích là được hiểu như thế nào? Những cụm từ này không phù hợp. Tại Điều 4 cũng không có khoản nào giao Chính phủ hay Bộ ngành liên quan quy định chi tiết các nội dung trên, như vậy sẽ rất khó tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Do vậy, đề nghị cần quy định cụ thể nội dung trên bảo đảm trong thực tiễn triển khai được hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung trên”.
Nên giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương thực hiện khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản…
Về thẩm quyền phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản khoản (khoản 5 Điều 29). Việc phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản nên giao thẩm quyền cho HĐND hoặc UBND cấp tỉnh thực hiện. Vì trong điều kiện chúng ta đang thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, mặt khác trước khi chính quyền địa phương cấp tỉnh phê duyệt đã có ý kiến của Bộ TN&MT, các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan. Bên cạnh đó, nếu thực hiện phân cấp, sẽ giảm được khối lượng công việc của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành khác có liên quan và các địa phương. Do đó, đề nghị biên tập lại khoản 5 Điều 29 theo hướng giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản và khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan.
Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế là hợp lý nhất.
Về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 103). Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nội dung trên đưa ra hai loại ý kiến, thống nhất theo phương án 2 đó là đề nghị tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế vì: Việc tính tiền theo trữ lượng khoáng sản như hiện nay không đảm bảo chính xác. Thực tế hiện nay phần lớn là các doanh nghiệp khai thác nhiều hơn trữ lượng cấp phép dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước, mặt khác cũng có thể xảy ra các rủi ro cho tổ chức, cá nhân khi bị thanh tra, kiểm tra, điều tra… Hiện nay có trường hợp doanh nghiệp đấu giá được quyền khai thác khoáng sản, được cấp phép và tiến hành nộp tiền nhưng trên thực tế doanh nghiệp trên không bao giờ khai thác được khoáng sản vì đất có trữ lượng khoáng sản đưa ra đấu giá phần lớn là đất của người dân. Do vậy doanh nghiệp trúng đấu giá và chủ đất không thỏa thuận được thì doanh nghiệp trên không bao giờ khai thác được, như vậy rất khó cho tổ chức, cá nhân được cấp phép. Vì vậy phương án tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế là hợp lý nhất.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/tinh-tien-cap-quyen-khai-thac-khoang-san-theo-san-luong-khai-thac-thuc-te-la-hop-ly-119968.html