Phải bám sự kiện liên tục 24/24, lực lượng tình nguyện viên trong mùa giải đã có những trải nghiệm của bản thân và mang đến hình ảnh đẹp cho bạn bè quốc tế. Đảm nhận vai trò đặc biệt nhất trong số các tình nguyện viên, Trần Kim Chi – sinh viên Trường Cao đẳng cộng đồng Bình Thuận vừa làm MC vừa là phiên dịch riêng cho Chủ tịch Liên đoàn Billiards thế giới. Một công việc không hề dễ dàng và có rất nhiều áp lực. Nhưng bằng sự tự tin, Kim Chi đã thể hiện tốt vai trò của mình trong suốt 1 tuần vừa qua.
Dù bận rộn với lịch trình, nhưng tình nguyện viên Trần Kim Chi, vui vẻ chia sẻ: “Đối với em đó cũng là 1 thách thức vì em chỉ mới là sinh viên năm 2 thôi mà công việc này rất quan trọng. Em mong rằng sẽ có nhiều sự kiện như thế này để em phát huy vai trò của mình trong việc quảng bá văn hóa đến bạn bè quốc tế”.
Để có sự chuẩn bị thật chu đáo cho Giải Billiards carom 3 băng vô địch cá nhân thế giới lần 76, Bình Thuận đã tuyển chọn và đào tạo 25 tình nguyện viên để hỗ trợ cho các thành viên của Liên đoàn Billiards thế giới và các cơ thủ quốc tế. Các em đều đang là sinh viên ngoại ngữ của các trường đại học, cao đẳng tại Bình Thuận.
Với sự nhiệt tình của tuổi trẻ, tình nguyện viên Lê Vang Kim Thước, cho biết: “Em đã tham gia hỗ trợ rất nhiều sự kiện, nhưng đây là sự kiện lớn mang tầm quốc tế, ban đầu cũng hơi áp lực vì phải làm việc xuyên suốt. Nhưng em tự tin nhất vẫn là khả năng ngoại ngữ, để có thể truyền đạt mong muốn của các vận động viên với Ban tổ chức, cũng như học tập thêm kỹ năng cho riêng mình”.
Riêng Võ Đức Nguyên thì cho biết: “Ở giải đấu, có tới 48 tuyển thủ đến từ các nước khác nhau phải giao tiếp bằng ngoại ngữ nên tụi em phải rèn luyện kỹ năng để có thể truyền đạt chính xác và quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng. Đây cũng là dịp để em học tập, quảng bá hình ảnh quê hương mình đến các nền văn hóa khác nhau”.
Trong suốt quá trình giải diễn ra, tùy thuộc vào vai trò, vị trí của mình các tình nguyện viên phải liên tục quan sát, chú ý tình huống để xử lý kịp thời. Công việc cụ thể tại sự kiện thường sẽ là các hoạt động như hỗ trợ chuẩn bị thi đấu, cập nhật kết quả thi đấu, hướng dẫn khách ngồi trên khán đài… Các tình nguyện viên phải tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Tình nguyện viên Phạm Nguyễn Quỳnh Giang bộc bạch: “Công việc tình nguyện viên không mấy nặng nề, nhưng áp lực vì phải chạy theo các hoạt động bên lề. Dù là nhỏ nhưng những công việc của tình nguyện viên có thể hỗ trợ nhiều công việc khác nhau của các bậc cấp cao và của ban tổ chức… Với em, đây cũng là đóng góp cho thành công của giải thể thao lớn được tổ chức tại quê hương mình”. Hầu như các cơ thủ trong suốt quá trình diễn ra giải đều có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các tình nguyện viên. Cơ thủ Mikael Devogelaere (Pháp) đã dành cho các bạn ấy lời khen đầy trân trọng: “Công việc của các bạn rất quan trọng. Họ đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc giao tiếp với ban tổ chức cũng như tìm hiểu các nét văn hóa của địa phương. Họ đã làm rất tốt công việc của mình, tôi nghĩ rằng chúng tôi cần phải cảm ơn họ, vì sự đóng góp thầm lặng để chúng tôi có thể yên tâm thi đấu”.
Mặc dù không đi sâu nhưng Miyashita (Nhật Bản), cũng có những lời chân thành từ các bạn tình nguyện viên: “Họ năng động, và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Tôi yêu Việt Nam, văn hóa Việt Nam và cả các bạn tình nguyện viên tuyệt vời”.
Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, các tình nguyện viên đã góp phần giúp sự kiện thành công và cũng là cầu nối lan tỏa văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế. Công việc tình nguyện viên cũng giúp các em có thêm sự tự tin và nhiều trải nghiệm quý trong quá trình học tập và làm việc sau này.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/tinh-nguyen-vien-cau-noi-lan-toa-van-hoa-viet-den-ban-be-quoc-te-124447.html