Với mong muốn làm thế nào đó để nâng tầm giá trị củ nghệ mà gia đình mình cũng như người dân địa phương từ bao đời nay chỉ biết trồng bán củ với giá thành thấp lại bấp bênh. Chính vì vậy, chị Lê Thị Lệ Thắm, xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh đã mạnh dạn khởi nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị để sản xuất chế biến tinh bột nghệ thay thế cách làm thủ công truyền thống.
Nhờ đó, sản phẩm tinh bột nghệ Đông Đan của chị Thắm sản xuất vừa được UBND huyện Tánh Linh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.
Chúng tôi về xã Bắc Ruộng, hỏi thăm tình hình trồng cây nghệ đỏ của bà con nơi đây thì ai cũng tỏ rõ sự phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Bốn ở thôn 2, xã Bắc Ruộng phấn khởi cho biết: Nhiều năm nay tôi và bà con nơi đây trồng cây nghệ đỏ chủ yếu là bán củ, nhưng giá cả bấp bênh, không ổn định, nhiều khi giá thấp cũng phải bán vì để củ nghệ lâu không được, cho nên người trồng cũng không mặn mà với cây nghệ. Tuy nhiên, từ khi có cơ sở chế biến tinh bột nghệ Đông Đan ra đời, tôi và bà con nơi đây đã mở rộng thêm diện tích và đầu tư nhiều hơn đến cây nghệ đỏ. Sản lượng thu được đều được cơ sở tinh bột nghệ Đông Đan thu mua hết với giá ổn định. Bà con rất yên tâm trồng cây nghệ đỏ.
Được sự truyền dạy tận tình về làm bột nghệ từ người thân trong gia đình, năm 2018, chị Lê Thị Lệ Thắm khởi nghiệp sản xuất chế biến tinh bột nghệ Đông Đan. Chị đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây nhà xưởng và trang bị máy rửa, nghiền, vắt, lọc, phơi hong khô trong phòng kín đảm bảo các dưỡng chất trong tinh bột nghệ được giữ lại. Nhờ có trang thiết bị máy móc hỗ trợ trong sản xuất chế biến tinh bột nghệ nên chị Thắm liên kết với khoảng 20 hộ dân ở các xã Bắc Ruộng, Nghị Đức và Huy Khiêm trồng nghệ đỏ với sản lượng thu hoạch 20 – 30 tấn mỗi năm và thu mua theo giá thị trường từ 5.000 – 6.000 đồng/kg củ nghệ tươi. Chị Lê Thị Lệ Thắm, chủ cơ sở sản xuất chế biến tinh bột nghệ Đông Đan chia sẻ, chọn nghệ đỏ để sơ chế thành tinh bột nghệ vì hàm lượng curcumin nhiều, vừa làm dược phẩm vừa làm mỹ phẩm hỗ trợ tốt cho sức khỏe con người. Khoảng 30 kg củ nghệ tươi chế biến thành phẩm 1 kg tinh bột nghệ khô, có giá bán khoảng 400.000 – 450.000 đồng. Dự án khởi nghiệp tinh bột nghệ Đông Đan của chị đã đạt giải ba tại cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Bình Thuận năm 2020. Mới đây sản phẩm tinh bột nghệ Đông Đan của chị được UBND huyện Tánh Linh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện. Đây là động lực để chị Thắm hướng đến mục tiêu cao hơn là đạt 4 sao, 5 sao.
Với sức trẻ và tâm huyết, chị Thắm có niềm đam mê khát vọng đưa đặc sản địa phương vươn xa. Thông qua quảng bá trên các sàn thương mại điện tử và trang mạng xã hội, sản phẩm tinh bột nghệ Đông Đan đã tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng trong nước. Không chỉ vậy, hiện nay người phụ nữ này đang tiếp tục cố gắng để sản phẩm tinh bột nghệ Đông đan được công nhận 4 sao. Song song đó chị đang thực hiện dự án khởi nghiệp thứ 2 về bột bình tinh với kỳ vọng bao tiêu nông sản, tạo việc làm cũng như nâng cao giá trị sản phẩm sau chế biến đối với các sản phẩm tiềm năng lợi thế tại địa phương.