Đây là chủ đề hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với các cơ quan đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tổ chức vào sáng ngày 10/4 tại TP. Phan Thiết. Tham dự hội thảo có lãnh đạo một số sở, ban, ngành, hội, hiệp hội liên quan.
Theo đó, nội dung được các đại biểu nêu ý kiến, thảo luận là hiện trạng tài nguyên rừng của tỉnh, tình hình triển khai các chương trình, dự án bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng, phát triển tín chỉ carbon thời gian qua; tình hình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh; định hướng sự tham gia và vai trò của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng khi thí điểm, vận hành thị trường carbon rừng trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Thanh Sơn – Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều đợt tập huấn về quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng cho cán bộ lâm nghiệp, địa phương. Qua đó giúp các đơn vị, tổ chức cập nhật được nhiều kiến thức, nâng cao nhận thức, ý thức trong trồng rừng, nhất là vấn đề quản lý rừng bền vững. Qua triển khai thực tế hoạt động này tại các địa phương, ngành chức năng tỉnh nhận thấy, việc triển khai cấp chứng chỉ rừng gặp khó khăn như về trình độ quản lý, nguồn kinh phí thực hiện, khó khăn trong công tác tuyên truyền, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, thiếu chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này…
Vì vậy, tại hội thảo này các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý chuyên ngành đã mạnh dạn chia sẻ, trao đổi, làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong việc tiếp cận thực hiện các quy định có liên quan đến phát triển tín chỉ carbon rừng của tỉnh.Đồng thời chia sẻ thêm thông tin, kinh nghiệm từ các tỉnh, thành trong cả nước và đề xuất thêm các giải pháp phù hợp, thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển tín chỉ carbon rừng của tỉnh trong thời gian tới.
Theo số liệu công bố hiện trạng rừng tỉnh Bình Thuận năm 2023, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là 342.127,58 ha, trong đó rừng tự nhiên 296.915,47 ha, rừng sản xuất 138.706,95 ha. Trạng thái rừng gỗ lá rộng thường xanh hoặc nửa rụng lá chiếm ưu thế với diện tích 128.475,03 ha, tiếp đó là trạng thái rừng gỗ lá rộng rụng lá với diện tích 111.537,97 ha. Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, với diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn, việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, các hộ sống trong và ven rừng nói chung; chia sẻ, giảm áp lực kinh phí đầu tư của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây là một bước ngoặt làm tiền đề cho việc khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên carbon…
Được biết cuối năm 2023, Việt Nam đã chuyển giao xong 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới, thu về hơn 1.250 tỷ đồng. Hiện tại, khu vực Bắc Trung bộ bán tín chỉ carbon rừng với giá 5 USD/tấn CO2. Riêng tỉnh Quảng trị rao bán tín chỉ carbon rừng được cấp chứng nhận FSC và hiện đang đàm phán với 1 doanh nghiệp ở Hà Lan với giá 10 USD/tấn CO2.
Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 hoặc khối lượng của khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.