Bên cạnh ngôi cổ Thạch tự hay còn gọi là chùa Hang khá nổi tiếng thì ở Tuy Phong còn có 1 ngôi chùa cổ khác cũng có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với nhiều giai thoại.
Đó chính là chùa Pháp Võ mà người dân địa phương thường gọi chùa đá Mẹp hay chùa đá Mọp. Bởi ngôi chùa cổ kính này được xây dựng trên núi Đá Mẹp thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong. Theo những vị cao niên ở đây thì có lẽ đây là một trong những ngôi chùa được xem là lâu đời nhất của miền Nam.
Cách thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong khoảng 15 km về hướng Tây Bắc, chùa Pháp Võ (thường gọi chùa Đá Mẹp) là nơi có nhiều phong cảnh đẹp làm mê đắm lòng người. Từ ngã rẽ vào của Công ty nước suối Vĩnh Hảo nhìn về hướng Tây theo con đường mòn đi xe chừng 40 phút là chúng ta sẽ đến được Chùa. Đường lên chùa khá đẹp với dãy núi đá nhiều hình thù kỳ lạ, như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Một trong số đó có khối đá hình chữ nhật nằm vắt ngang, dân gian gọi là Bà Đội Đuôn. Có chuyện kể, đó là công chúa Chăm liên quan đến một chuyện tình và cùng nhiều câu chuyện ly kỳ gắn với tượng đá này. Điều khiến chúng ta ngạc nhiên và ấn tượng là vì sao tượng đá đang đứng giữa trời và tảng đá nặng hàng trăm tấn lại nằm vắt ngang trên cột đá mà ngàn năm vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt.
Chùa Đá Mẹp không rộng lắm, nhưng cảnh vật xung quanh rất thơ mộng và hùng vĩ. Chánh điện thờ Phật Thích Ca, Quán Thế Âm Bồ tát cùng nhiều chư phật khác. Chùa cũng có miếu thờ ngài Quan Thánh Đế Quân cùng các hang đá nhỏ hơn thờ các vị thần khác nhau. Trước chùa có tượng Quan Âm đứng khá lớn.
Chuyện kể rằng chùa Đá Mẹp ngày nay trước đây do tổ sư Đạt Bổn khai sơn vào khoảng năm 1735. Tổ sư Đạt Bổn là đời thứ 38 của dòng phái Lâm Tế và là đời thứ 4 của chùa Thanh Lương (Quy Nhơn – Bình Định). Ngài có 4 đệ tử là Vĩnh Tướng, Vĩnh Hảo, Vĩnh Quang và Vĩnh Minh. Đến khoảng năm 1735 ngài truyền lại tổ đình Thanh Lương cho đại đệ tử Vĩnh Tướng rồi vân du hành đạo về Nam. Đến năm 1737 đệ tử của ngài là Vĩnh Hảo bị vu oan và đày vào vùng đất gần hạ lưu sông lòng sông bây giờ. Tương truyền rằng ngày xưa nơi đây có 1 cặp rắn thần, thỉnh thoảng xuất hiện vào ban đêm nên người ta đặt tên là suối Rắn. Cặp rắn thần này có mồng đỏ như mồng gà, kích thước rất lớn thường trú ngụ ở suối, rồi qua lại chùa nằm im khi nghe sư thầy đọc kinh. Đến năm 1740 Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi và lệnh ân xá thiên ha. Vì giỏi nghề thuốc nên ngài Vĩnh Hảo ở lại vùng đất này để hành nghề bốc thuốc trị bệnh cứu dân. Đầu năm 1743, ngài Vĩnh Hảo đi ngược lên hướng suối Rắn để tìm cây thuốc vô tình gặp lại thầy mình là tổ sư Đạt Bổn trong 1 am tranh bên sườn núi. Phía sau am tranh là 1 hang núi không rộng lắm mà bây giờ còn gọi là hang tổ của Đá Mẹp. Sau lần hội ngộ đó ngài tổ sư Đạt Bổn giao lại am tranh cho đệ tử Vĩnh Hảo và tiếp tục vân du về Nam. Ngài Vĩnh Hảo tu tại đây được 2 năm thì viên tịch. Dân làng cảm mến ân đức của ngài nên đặt tên cho vùng đất này là Vĩnh Hảo cho đến ngày hôm nay.
Trước đây, khi chúng tôi làm phim về vùng đất La Bá, 1 địa danh cách mạng của quân và dân Tuy Phong, Hòa thượng Thích Trí Huệ – trụ trì chùa Thiên Tường cho biết: địa danh La Bá có liên quan đến chùa Đá Mẹp lúc bấy giờ. Vì theo tiếng của đồng bào thì La Da có nghĩa là suối, La Bá có nghĩa là rắn nên vùng đất này trước đây có tên là La Da La Bá có nghĩa là suối Rắn. Sau này khu hình thành khu căn cứ cách mạng thì người ta chỉ còn gọi ngắn gọn là La Bá.
Trải qua 1 thời gian rất dài từ năm 1755 mãi về sau không có cao nhân nào đến ở ẩn tu hành. Vùng suối Rắn trở nên hoang sơ và huyền bí. Những câu chuyện về đôi rắn thần ở đây vẫn còn lưu truyền mãi trong dân gian.
Đến khi được thầy của mình là hòa thượng Thích Như Kỉnh kể lại chuyện xưa và truyền thuyết về tổ sư Vĩnh Hảo thì năm 1953, Hòa thượng Thích Ngộ Tịnh chùa Thiên Tường lên đường tìm lại dấu vết xưa và rất may mắn và tìm lại được hang Đá Mẹp. Chốn cũ còn đó, lều tranh xưa không còn. Núi non vẫn huyền ảo trong sương sớm và từ đó tiếng chuông chùa lại được vang vọng trong gió, trong mưa.
Đến năm 1957 thì ngôi chùa bắt đầu được sửa xây lại dần và đặt tên là chùa Đá Mẹp. Sở dĩ có tên chùa Đá Mẹp là vì trên dãy núi có 1 tảng đá lớn nằm triền từ trên cao xuống với hình dáng như quỳ mẹp xuống. Tảng đá đó tạo nên 1 hang động rất rộng và hang động đó chính là hang tổ nơi thờ vị tổ khai sơn của ngôi chùa.
Đứng ở chùa, nhìn về hướng Đông, chúng ta thấy cả cánh đồng muối bao la, cửa Sứt sóng vỗ và cả Cù Lao Câu xanh biếc dưới trời mây. Hướng lên phía trên, phong cảnh càng đẹp với các tảng đá lớn, nhỏ chồng lên nhau tạo thành các hang đá thâm u đầy bí ẩn. Cỏ cây xanh rờn nhờ những đám mưa thu, hoa cỏ cũng nở tưng bừng đùa vui trong gió.
Chùa Đá Mẹp đẹp lặng lẽ và yên bình bên dãy núi đá nhấp nhô. Tuy Đá Mẹp không hùng vĩ nhưng diễm lệ và uy nghiêm với thế núi long chầu hổ phục, tả thanh long, hữu bạch hổ. Quả thật người xưa cũng khéo chọn nơi để tu hành. Khi đến đây chúng ta luôn có cảm giác thật bình an giữa những hư, thực, thiện, ác của đời thường. Khi cuộc sống đầy những xô bồ, cám dỗ, thị phi, được mất, thì đây chính nơi đáng tìm về để thư giãn và tìm lại sự bình an trong trong tâm hồn.