Là nội dung của hội nghị trực tuyến do Chính phủ tổ chức với 28 tỉnh, thành ven biển sáng 29/8, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần 4. Hội nghị do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì. Tham dự tại điểm cầu Bình Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải, các thành viên Ban chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh và đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu đóng trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn 6 năm bị cảnh báo “Thẻ vàng”, tình hình chống khai thác IUU đã có những chuyển biến đáng kể. Qua đợt thanh tra lần thứ 3, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU, một số nội dung đã triển khai các giải pháp xử lý và có kết quả cập nhật, trao đổi kịp thời.
Tuy nhiên, sau đợt thanh tra lần thứ 3 của EC, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC, cũng như thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chưa hoàn thành việc đăng ký tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản; cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia chưa đầy đủ. Tình trạng tàu cá ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình vẫn xảy ra phổ biến. Đặc biệt, tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra. Từ đầu năm 2023 đến nay (tính đến ngày 29/8/2023) tiếp tục xảy ra 39 tàu/252 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, gồm Malaysia (29 tàu/207 ngư dân), Indonesia (2 tàu/2 ngư dân), Thái Lan (8 tàu/43 ngư dân), chưa kể các vụ việc bị Campuchia bắt giữ, xử lý 14 tàu cá trong vùng nước lịch sử). Các vụ này tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang. EC khẳng định không gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” nếu không chấm dứt tình trạng này.
Ngoài ra, tình trạng tàu cá tắt, tháo gỡ thiết bị VMS gửi sang tàu cá khác để khai thác sai vùng và trốn tránh sự giám sát của lực lượng chức năng đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn ra phức tạp. Qua kiểm tra, lực lượng thực thi pháp luật đã phát hiện, bắt giữ 11 vụ/13 tàu sử dụng 15 thiết bị VMS của tàu cá khác để thực hiện hành vi khai thác sai vùng, đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; xử phạt hơn 4.000 vụ vi phạm các quy định về chống khai thác IUU, với tổng số tiền hơn 110 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước còn nhiều tồn tại. Nhật ký khai thác thủy sản qua kiểm tra hầu hết là hồi ký, ghi không đúng, ghi không đầy đủ mẻ lưới, chưa ghi đến loài… dẫn đến chưa đảm bảo độ tin cậy trong truy xuất nguồn gốc. Một số hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu hiện nay còn mang tính chất đối phó…
Tại hội nghị, một số tỉnh, thành như Bà Rịa -Vũng Tàu, Kiên Giang, Khánh Hòa, Cà Mau… đã nêu những khó khăn, cũng như kiến nghị, đề xuất 1 số giải pháp để khắc phục những vướng mắc đang gặp phải. Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, còn chưa đầy 2 tháng để nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là kiên quyết chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành phố ven biển nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa trong việc chống khai thác IUU, chung tay tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong tháng 10/2023. Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát, xét xử nghiêm minh các trường hợp vi phạm để răn đe…
Thực hiện kết luận thanh tra của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3, đề nghị các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu và địa phương có liên quan phối hợp với các Bộ NN&PTNT, Tài chính, Công an, Quốc phòng điều tra, xác minh, xử lý nghiêm 2 tàu cá nhập khẩu vi phạm IUU tại Công ty Hải Vương; các lô hàng xuất khẩu vi phạm IUU tại Công ty TNHH Thịnh Hưng và Công ty TNHH T&H Nha Trang; cảng cơ khí tàu thuyền vi phạm IUU trong cấp xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác đối với 7 tấn cá kiếm cho Công ty TNHH Thịnh Hưng và các cảng cá khác (nếu có hành vi vi phạm tương tự).
Bên cạnh đó, yêu cầu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện các quy định về IUU, không thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc IUU. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Thủy sản, hướng tới khai thác thủy, hải sản một cách khoa học, phát triển nghề cá bền vững.