Ngành thuế thu ngân sách nhà nước (NSNN) 3 tháng đầu năm 2024 đã đi được 1/3 chặng đường của năm đạt 30,7% dự toán tỉnh giao, tăng 16,17% so cùng kỳ năm trước.
Thu nội địa khởi sắc nhưng vẫn lo…
Trong quý I năm nay, nền kinh tế của tỉnh đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh có nhiều cơ hội phát triển nhanh, đặc biệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tận dụng các tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây được thông tuyến, hoạt động dịch vụ du lịch sôi động… Điều này, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu NSNN trên địa bàn tỉnh. Song song đó, công tác thu NSNN được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Sự phối hợp của các ngành, các cấp, nhất là ngành thuế đã tập trung các giải pháp thu ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó tập trung vào các nguồn thu trọng điểm, đẩy mạnh xử lý nợ đọng. Nhờ vậy, 3 tháng đầu năm nay thu ngân sách được 3.070 tỷ đồng, đạt 30,7% dự toán và tăng 16,17% so cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ khoản thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu thì thu nội địa 3 tháng là 2.758,7 tỷ đồng, đạt 30,64% so dự toán và tăng 14,89% so cùng kỳ năm trước.
Hoạt động du lịch sôi động tác động tích cực nền kinh tế góp phần tăng thu ngân sách.
Đáng chú ý là lĩnh vực thu ngoài quốc doanh thu được 733,6 tỷ đồng, đạt 44,22% dự toán, có sự tăng trưởng mạnh với mức tăng 19,39% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, còn có các khoản thu tiến độ đạt khá như: Thu tiền thuê đất, mặt nước (đạt 67,43%); thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (đạt 44,22%); thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác (đạt 35,48%); thuế thu nhập cá nhân (đạt 35,05%); thu phí, lệ phí (đạt 31,15%)… Bà Trần Thị Diệu Hoàng – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh đánh giá: Mặc dù kết quả thu ngân sách nội địa đạt khá, đặc biệt khoản thu ngoài quốc doanh tăng trưởng nhưng vẫn chứa yếu tố không ổn định. Vì chủ yếu tăng nhờ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, thu nợ đọng của các đơn vị nợ lớn vào ngân sách.
Ngoài ra, vẫn còn 7/16 khoản thu giảm sâu so cùng kỳ như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương (giảm 47,83%); thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (giảm 35,52%); lệ phí trước bạ (giảm 23,9%); thu khác ngân sách (giảm 21,27%); thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 17,82%); thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương (giảm 13,08%); thu phí, lệ phí (giảm 17,62%) và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (giảm 14,64%). Nguyên nhân do khó khăn chung của nền kinh tế, nguồn thu của tỉnh còn nhỏ lẻ, các vướng mắc về đất đai chưa giải quyết triệt để, nguồn thu từ các nhà máy điện giảm. Cùng với đó, sự tác động của các chính sách miễn giảm thuế của Chính phủ tác động làm giảm nguồn thu.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn
Giải pháp tăng thu ngân sách
Theo dự báo, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh những tháng còn lại năm 2024 trong bối cảnh khó khăn, thuận lợi đan xen. Các nguồn thu chủ lực của tỉnh như các khoản thu từ đất, khoản thu từ các nhà máy nhiệt điện còn thấp so với dự toán giao. Các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng tiếp cận vốn, sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cầm chừng, bỏ nghỉ, tạm ngừng kinh doanh… dẫn đến nợ thuế có xu hướng tăng cao cũng như khó khăn trong việc khai thác nguồn thu từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh… Điều này sẽ ảnh hưởng đến công tác thu NSNN 9 tháng cuối năm.
Tập trung khai thác nguồn thu còn tiềm năng.
Chủ trì tại cuộc họp mới đây về công tác thu ngân sách, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ thu NSNN là chỉ tiêu rất quan trọng trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội”. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, mặc dù thu ngân sách tăng so cùng kỳ, nhưng thấp hơn so với trung bình chung cả nước, một số nguồn thu tăng nhưng không ổn định. Mặt khác, công tác quản lý nguồn thu chưa triệt để, nhất là các nguồn thu từ đất, khoáng sản…
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tăng thu ngân sách tỉnh trong đó gắn với trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương; đặc biệt vai trò của ngành thuế trong quản lý và khai thác nguồn thu. Theo đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc doanh nghiệp nhà đầu tư để phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, đôn đốc kịp thời các khoản thu từ đất vào NSNN. Tăng cường xúc tiến, mời gọi, thu hút nhà đầu tư có năng lực, tiềm năng để tạo nguồn thu ổn định. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ chấp thuận các dự án đầu tư để tạo nguồn thu mới; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đưa nguồn vốn vào lưu thông để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngành thuế quản lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh công tác chống thất thu, tập trung khai thác các nguồn thu tiềm năng như: xăng dầu, dịch vụ ăn uống, giải trí, các nguồn thu từ kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử…
Năm 2024, Cục Thuế tỉnh được HĐND tỉnh giao dự toán thu NSNN là 10.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa là 9.005 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 995 tỷ đồng.