BTO-Trong phiên làm việc sáng nay
(8/12) của kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XI đã xem xét, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Trong đó, có Nghị quyết về Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).
Theo nội dung nghị quyết, Quy hoạch khu này với diện tích 14.760 ha. Cụ thể, khu vực TP. Phan Thiết khoảng 6.625 ha, bao gồm dải đất ven biển từ phường Phú Hài (giáp sông Phú Hài) đến hết ranh giới phường Mũi Né, được giới hạn bởi đường Võ Nguyên Giáp, đường tỉnh ĐT.715, đường giao thông liên xã hiện trạng xã Thiện Nghiệp, đường quy hoạch theo quy hoạch sử dụng đất huyện Bắc Bình.
Khu vực huyện Bắc Bình khoảng 7.165 ha (trong đó xã Hòa Thắng khoảng 6.030 ha và xã Hồng Phong khoảng 1.135 ha): Bao gồm dải đất ven biển từ ranh giới xã Hồng Phong đến hết ranh giới xã Hòa Thắng, được giới hạn bởi đường tỉnh ĐT.716, đường Hòa Thắng – Hòa Phú, đường quy hoạch theo quy hoạch sử dụng đất huyện Bắc Bình, ranh giới Khu du lịch Bàu Trắng. Khu vực huyện Tuy Phong khoảng 970 ha (thuộc xã Hòa Phú – nay thuộc thị trấn Phan Rí Cửa): Bao gồm dải đất ven biển từ ranh giới xã Hòa Thắng đến khu vực giáp sông Lũy, được giới hạn bởi đường tỉnh ĐT.716, đường quy hoạch theo quy hoạch sử dụng đất huyện Tuy Phong…
Đây là khu du lịch quốc gia phát triển du lịch hài hòa với phát triển đô thị. Là trung tâm du lịch với sản phẩm du lịch nổi bật là du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, du lịch gắn với đặc trưng cảnh quan và địa hình “cát”. Là trung tâm văn hóa với các giá trị nổi bật về văn hóa Chăm, văn hóa cộng đồng dân cư miền biển và các lễ hội truyền thống. Hình thành trung tâm du lịch gắn với phát triển đô thị tại khu vực với động lực phát triển chính là du lịch với các chủ đề chính: Du lịch biển, vui chơi giải trí; du lịch thể thao; du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe (wellness) và các sản phẩm du lịch khác.
Dự báo quy mô phát triển, khách du lịch đến năm 2030 khoảng 14 triệu lượt khách (trong đó, khoảng 2,5 triệu lượt khách quốc tế); đến năm 2040 khoảng 25 triệu lượt khách (trong đó khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế); tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 35 triệu lượt khách (trong đó khoảng 11 triệu lượt khách quốc tế). Dân số (bao gồm dân số quy đổi từ khách du lịch) đến năm 2030 khoảng 150.000 – 200.000 người; tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 300.000 – 500.000 người (trong đó dân số dự báo theo tốc độ tăng dân số khoảng 140.000 – 160.000 người, dân số quy đổi từ khách du lịch khoảng 160.000 – 340.000 người).
Về quan điểm phát triển không gian, xây dựng không gian phát triển du lịch, trọng tâm là các khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng, các khu vui chơi giải trí, thể thao biển, trung tâm dịch vụ thương mại… Phân bố không gian phù hợp với địa hình, quỹ đất, tình hình phát triển các khu vực hiện hữu, yêu cầu phát triển các khu vực mới, đảm bảo khai thác quỹ đất hiệu quả, bền vững gắn với các tiềm năng phát triển của từng khu vực với đặc thù là dải không gian ven biển.
Ưu tiên hình thành các tổ hợp lớn, phát triển với chiến lược dài hạn, tránh tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Phát triển các không gian gắn với các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh về tài nguyên biển và các tài nguyên du lịch khác. Định vị các sản phẩm du lịch đặc trưng tương ứng với các vùng cảnh quan, các khu chức năng trong khu vực. Phát triển mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng – thể thao biển (lướt sóng, thuyền buồm, lặn biển, đua ô tô, mô tô trên đồi cát…), hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (MICE)…, tạo động lực thúc đẩy các loại hình khác cùng phát triển.
Gìn giữ, bảo vệ các khu vực cảnh quan có giá trị, trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa – lịch sử, các danh lam thắng cảnh gắn với đầu tư hạ tầng cơ bản, phát triển các làng nghề, làng chài phục vụ du lịch trải nghiệm. Bảo vệ hành lang ven biển, hạn chế xây dựng các công trình mới phía biển; đảm bảo không gian biển được sử dụng chung nhằm gia tăng khả năng thu hút đầu tư và hiệu quả khai thác các bãi biển. Chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu sát biển, có phương án tái định cư phù hợp, tạo tuyến ven biển thông thoáng, sạch đẹp, văn minh…
Về định hướng quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch phân bổ sử dụng quỹ đất phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, ưu tiên phân bổ đất đai cho các ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân. Giai đoạn đến năm 2030: Đất khu vực xây dựng các chức năng có diện tích khoảng 11.083,8 ha (chiếm tỷ lệ khoảng 75,09%); đất khu vực nông nghiệp và chức năng khác có diện tích khoảng 3.676,2 ha (chiếm tỷ lệ khoảng 24,91%). Giai đoạn đến năm 2040: Đất khu vực xây dựng các chức năng có diện tích khoảng 13.588,21 ha (chiếm tỷ lệ khoảng 92,06%); đất khu vực nông nghiệp và chức năng khác có diện tích khoảng 1.171,79 ha (chiếm tỷ lệ khoảng 7,94%)…